(baodautu.vn) Việc cấp phép đầu tư truyền hình cáp cho Viettel chỉ còn là vấn đề thời gian. Lúc này, ba vấn đề lớn được cả thị trường và người xem quan tâm là dịch vụ của Viettel nhắm vào đối tượng khách hàng nào, nội dung chương trình có gì khác biệt và giá cước có cạnh tranh hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ khác.
Đối tượng khách hàng của Viettel
Hiện nay, hầu hết thuê bao truyền hình cáp tập trung ở khu vực trung tâm các thành phố, thị xã lớn. Tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ một bộ phận nhỏ có điều kiện sử dụng thiết bị số mặt đất hoặc IPTV, còn đa số vẫn sử dụng hệ analog miễn phí. Một lãnh đạo Viettel đã gọi đây là “vùng trắng” và truyền hình cáp của Viettel, sau khi được cấp phép, sẽ nhắm tới nhóm đối tượng này.
Lý do Viettel chọn đây là thị trường chủ đạo, chiếm tới 65% cơ cấu khách hàng, là dựa trên thực tế, doanh nghiệp này đang sở hữu hệ thống cáp quang hơn 200.000 km, phủ tới trên 95% các xã của cả nước. Nếu một doanh nghiệp đầu tư mới phải mất khoảng 10 năm đầu tư và hàng chục ngàn tỷ đồng, thì Viettel sẽ cung cấp được dịch vụ chỉ trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Viettel có sẵn nguồn nhân lực dồi dào với hơn 25.000 nhân viên, nhân viên kỹ thuật, cộng tác viên bán hàng phủ sóng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa.
Bằng việc tận dụng hạ tầng, nguồn lực con người, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, với tiềm lực hiện có, nếu đầu tư hạ tầng cáp quang đến xã để cung cấp truyền hình cáp sẽ giảm chi phí đầu tư 2 - 3 lần, giúp dịch vụ có thể phổ cập đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Viettel sẽ không bỏ qua thị trường thành thị, nơi có mức chi trả cao, song cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn. Viettel dự tính, thị trường thành thị sẽ chiếm khoảng 35% cơ cấu khách hàng và Viettel đã xây dựng chiến lược cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng này.
Nội dung chương trình có gì mới?
Một trở ngại và cũng là nỗi lo mà Vietel phải lường trước là tình huống Viettel được cung cấp truyền hình cáp, nhưng chỉ được cấp phép làm hạ tầng, triển khai mạng, cung cấp dịch vụ, chứ không được sản xuất nội dung, kênh chương trình. Trong tình huống đó, điều gì sẽ xảy ra, nếu Viettel bị các “đại gia” truyền hình như VTV, VTC… “ngăn sông cấm chợ” bằng việc không cho các đơn vị sản xuất chương trình bán nội dung cho Viettel? Đâu là những nội dung mang tính chuyên biệt, đặc sắc, mang thương hiệu Viettel?
Trên thực tế, có tới trên 90% các chương trình truyền hình trả tiền hiện nay là mua lại của nước ngoài hoặc tiếp sóng miễn phí từ các kênh truyền hình trong và ngoài nước. Số còn lại do các nhà đài sản xuất, nhưng chủ yếu là các chương trình gameshow, giải trí.
Chất lượng dịch vụ truyền hình kém do thị trường bị thâu tóm trong tay một bộ phận nhỏ và đó cũng là lý do khiến dù phát triển tới 9 năm, nhưng mới có 15% số hộ sử dụng dịch vụ này.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, nếu được cấp phép dịch vụ truyền hình cáp, ngoài việc đảm bảo số lượng, chất lượng kênh theo mặt bằng quốc tế và Việt Nam, Viettel còn dự định tập trung vào lĩnh vực giáo dục, phổ cập y tế, cung cấp cho người xem, đặc biệt là người xem vùng sâu, vùng xa, các chương trình giáo dục từ xa, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức và đào tạo. Tham vọng của Viettel là bằng truyền hình cáp sẽ hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Đây chính là nét đặc sắc của dịch vụ truyền hình mà Viettel sẽ cung cấp tới người xem.
Giá dịch vụ cạnh tranh
Một vấn đề được dư luận quan tâm là khi Viettel tham gia thị trường PayTV bằng truyền hình cáp, thì giá dịch vụ ở mức nào?
Theo hồ sơ xin cấp phép dịch vụ, Viettel đã nêu quan điểm triển khai cung cấp dịch vụ từ nông thôn tới thành thị, từ đồng bằng tới miền núi và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng có mức thu nhập khác nhau, từ thu nhập thấp tới thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Viettel xây dựng 7 gói cước cơ bản nhất cho 3 nhóm đối tượng là nông thôn, thành thị và nhóm có nhu cầu sử dụng gói giá trị gia tăng.
Dù không đưa ra mức giá cước cụ thể, nhưng Viettel khẳng định, giá cước sẽ rất hợp lý, dựa trên cơ sở cung cấp giá cước lấy đông bù ít và trên cơ sở giá thành của Vietel. Nếu áp dụng theo cách tính này, có thể giá dịch vụ của Viettel sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với giá các dịch vụ hiện tại.
Còn quá sớm để đánh giá mức độ thành công của Viettel khi tham gia thị trường PayTV, song điều chắc chắn là, việc tham gia thị trường của Viettel sẽ buộc các nhà cung cấp PayTV phải thay đổi mình, quan tâm hơn tới nhu cầu của khách hàng. Quan trọng hơn, người xem sẽ được hưởng lợi nhiều từ cuộc cạnh tranh giành giật thị trường này. Minh chứng là, 10 năm trước khi Viettel tham gia cạnh tranh vào thị trường viễn thông (trước đó, thị trường do VNPT độc quyền), thị trường đã hoạt động cạnh tranh lành mạnh để đến bây giờ chất lượng dịch vụ viễn thông đang rất cao và giá cước thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Hữu Tuấn