MOU đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam và tập đoàn đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, trong đó tận dụng thế mạnh của mỗi bên để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã đặt ra, thông qua việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo với trọng tâm là điện gió ngoài khơi.
Petrovietnam và CIP sẽ cùng nhau chia sẻ kiến thức, thông tin về chuyển đổi năng lượng từ dầu khí sang năng lượng tái tạo, với các chủ đề cụ thể như công nghệ, chuỗi cung ứng, hậu cần, cơ sở hạ tầng, chuyên môn kỹ thuật... |
CIP cũng sẽ hỗ trợ Petrovietnam các chương trình đào tạo về các loại hình năng lượng tái tạo mới như công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Amoniac, Hydro xanh...), nguồn điện dự trữ, đảo năng lượng... Bên cạnh đó, Petrovietnam và CIP cũng sẽ nghiên cứu cơ hội hợp tác trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ông Phan Tử Giang, Phó tổng giám đốc Petrovietnam cho hay, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động bất lợi đến biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm ô nhiễm môi trường, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có Petrovietnam.
Trước những biến động của thị trường, nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng, với tư cách là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Petrovietnam cũng đã và đang tích cực lên kế hoạch và lộ trình thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng.
Ông Phan Tử Giang, Phó tổng giám đốc Petrovietnam và ông Robert Helms, Thành viên HĐQT CIP |
Ông Giang cũng kỳ vọng, với thế mạnh của mỗi bên, việc hợp tác giữa CIP và Petrovietnam sẽ đạt được thành quả trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tích hợp công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn CIP cho biết, từ dự án điện gió ngoài khơi Vineyard Wind 1 công suất 800 MW đầu tiên ở Hoa Kỳ, hiện CIP có hai dự án điện gió ngoài khơi đang được xây dựng tại Đài Loan với tổng công suất 900 MW dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024 hay Dự án VindØ – hòn đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới đặt tại ngoài khơi Đan Mạch.
CIP luôn là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ đổi mới, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng sạch trên toàn cầu và rất vui mừng khi có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển và xây dựng các dự án năng lượng gió ngoài khơi quốc tế, bổ trợ cho kinh nghiệm và năng lực vững chắc trong các dự án năng lượng ngoài khơi của Petrovietnam.
“Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn hợp tác với Petrovietnam nghiên cứu, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, tạo dựng tiền đề hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng phục vụ các dự án tương tự trong tương lai”, ông Robert Helms nói.
CIP hiện đang quản lý 12 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo với tổng vốn huy động khoảng 30 tỷ USD. CIP đã đầu tư và phát triển danh mục dự án năng lượng tái tạo dẫn đầu thị trường với tổng công suất khoảng 120GW với đa dạng loại năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, gần một nửa danh mục dự án cho CIP phát triển (tương ứng khoảng 60GW) là điện gió ngoài khơi.
Trước đó vào tháng 11/2023, Petrovietnam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch với Tập đoàn Equinor (Nauy) và xa hơn vào năm 2021, hai đơn vị cũng đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.