Thời sự
PGS-TS. Thái Bá Cần chia sẻ về vai trò “dạy làm người” của người thầy
Nhã Nam - 20/11/2017 13:12
Trao đổi với Báo Đầu tư nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, PSG-TS. Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng khẳng định, vai trò quan trọng của người thầy là truyền đạt kiến thức mà mình có cho người học, và trong nhiều trường hợp còn là người khơi gợi những ý tưởng.

Trước hết, xin chúc mừng ông nhân ngày 20/11 và xin bắt đầu câu chuyện với ông về mối quan hệ giữa người thầy và học trò trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Dư luận đã nói nhiều về sự sòng phẳng trong mối quan hệ này, thậm chí còn cho rằng, trong môi trường giáo dục tư thục, thì yếu tố kinh doanh có thể sẽ lấn át vai trò quan trọng của người thầy hiện nay là “dạy làm người”. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Người thầy trong mọi thời đại đều có một chức năng là dẫn dắt, hướng dẫn người học. Trong thời đại ngày nay, khái niệm “dạy học” của người thầy không còn như trước nữa. Người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà mình có cho người học, mà trong nhiều trường hợp còn là người khơi gợi những ý tưởng để người học khám phá kiến thức.

PSG-TS. Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp thì người thầy vẫn phải là tấm gương để người học noi theo. Sự sòng phẳng của kinh tế thị trường đã phần nào làm phai nhạt tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” đã có từ lâu của dân tộc ta. Nhưng điều này không hoàn toàn tiêu cực, vì chúng ta cũng đang cố gắng để tạo ra một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, không phải chỉ biết ngoan ngoãn nghe lời!

Thực ra, mục tiêu cơ bản của trường công hay trường tư là như nhau, đều là đào tạo ra nhân lực bậc cao cho xã hội. Vì vậy, nói yếu tố kinh doanh lấn át vai trò quan trọng của người thầy trong việc “dạy làm người” là không có cơ sở. Người thầy trong các trường tư được tạo mọi điều kiện không hề kém hơn (nếu không nói là tốt hơn) ở trường công để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có việc dạy làm người.

Đã hơn 2 năm kể từ ngày ông về Đại học Quốc tế Hồng Bàng đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng. Kể từ ngày đó, Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã đổi thay như thế nào, bởi cùng với thay đổi Hiệu trưởng thì Đại học Hồng Bàng cũng đã có nhà đầu tư mới - Tập đoàn Nguyễn Hoàng?

Như chúng ta đã biết, thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều chuyển biến. Trong công cuộc đổi mới đó, Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) là một trường đại học tư thục đã có rất nhiều những đổi thay tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập .

Chúng tôi đã đầu tư nhiều hơn cho cơ sở vật chất của Trường, với việc khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà “Con tàu Tri thức”, cùng các tiện nghi, trang thiết bị hiện đại đáp ứng ở mức độ cao cho việc học tập và nghiên cứu của thầy và trò. Hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại cũng được trang bị mới ở cả hai cơ sở giúp cho việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.

Còn về nội dung giảng dạy, tiếng Anh, chìa khóa cho sinh viên mở cửa kho tàng kiến thức nhân loại, được nhà trường đặc biệt quan tâm. Chương trình tiếng Anh tăng cường được đưa vào giảng dạy từ năm 2016 đã nâng tầm HIU vào danh sách những trường có đầu ra tiếng Anh cao nhất hiện nay.

Thêm vào đó, việc gắn kết với doanh nghiệp là một định hướng quan trọng của nhà trường trong 2 năm qua. Chúng tôi đã kết nối với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm nơi thực tập, tạo điều kiện cho các em tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, nỗ lực quốc tế hóa chương trình đào tạo nhằm bắt kịp những yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập…

Tất cả nỗ lực này đã tạo nên một diện mạo mới, một tâm thế mới của HIU hôm nay. Thực ra thì mọi thay đổi đều có trở lực, mọi bước đi lên đều có khó khăn, nhưng trong 2 năm qua, với quyết tâm của chủ đầu tư, kinh nghiệm của bộ máy quản lý và sự đoàn kết nỗ lực của toàn thể các thành viên nhà trường, HIU đã vượt qua những thử thách bước đầu.

Quá trình đó có quá khó khăn cho ông không, bởi ông đã chuyển sang làm Hiệu trưởng một trường đại học tư thục, thay vì trước đây làm quản lý ở một trường công lập?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, điều quan trọng nhất cho việc phát triển giáo dục đại học cũng như nhiều lĩnh vực khác, là có định hướng đúng đắn. Dù có một số khác biệt trong quản trị đại học giữa công và tư nhưng như tôi đã nói ở trên, mục tiêu chính đều là đào tạo ra nhân lực bậc cao cho xã hội. Vì vậy, những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc ở trường công hoàn toàn có thể áp dụng được cho trường tư một cách hiệu quả.  

Theo định hướng của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ phát triển theo hướng là một đại học chuẩn quốc tế. Ông có tự tin là Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ làm được điều đó?

Đúng là Tập đoàn Nguyễn Hoàng có định hướng xây dựng Đại học Quốc tế Hồng Bàng thành một trường đại học theo chuẩn quốc tế (những trường đại học được kiểm định theo những tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi toàn cầu). Tôi tin là Đại học Quốc tế Hồng Bàng sẽ làm được điều đó.

Để đạt mục tiêu, Nguyễn Hoàng đã và đang đầu tư nguồn lực tài chính lớn cho trường. Nhà trường cần tổ chức để biến nguồn lực tài chính đó thành các nguồn lực tạo nên chất lượng của trường đại học đạt các chuẩn mực quốc tế. Đi vào cụ thể sẽ rất dài dòng, nhưng đã có nhiều ví dụ trong nước chứng tỏ chúng ta có thể đạt được chuẩn mực quốc tế trong một thời gian không quá dài từ xuất phát điểm không cao.

Tin liên quan
Tin khác