Mỗi năm, có rất nhiều bác sỹ Việt Nam được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, song cũng có không ít bác sỹ nước ngoài phải “lặn lội” sang Việt Nam để học hỏi kỹ thuật từ một vị Phó giáo sư tài năng. Đặc biệt, nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới còn mời ông đến giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật. Đó là PGS-TS. Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, “cha đẻ” của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp.
PGS-TS. Trần Ngọc Lương |
Trưởng thành trong gian khó
PGS-TS. Trần Ngọc Lương sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em. Người ta thường nói, “những bậc làm cha, làm mẹ có thể không hoàn hảo, nhưng họ luôn yêu thương những đứa con của mình theo cách hoàn hảo nhất”. Để nuôi 7 người con khôn lớn, ăn học thành người, cha mẹ ông đã phải rất vất vả làm lụng kiếm sống, mong muốn dành cho các con những điều tốt đẹp, ấm êm.
Thấu hiểu được những khó khăn của cha mẹ, cảm nhận sâu sắc tình yêu thương dành cho con cái từ những bậc sinh thành, từ nhỏ, Trần Ngọc Lương đã luôn tự dặn bản thân phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa trong tất cả mọi việc, vừa giúp đỡ cha mẹ, vừa chăm chỉ học tập, tích lũy kiến thức để nuôi ước mơ lập nghiệp, đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó của những người nông dân chân lấm, tay bùn.
Năm 1978, Trần Ngọc Lương thi đỗ Trường đại học Y Hà Nội. Đây cũng là nền móng đầu tiên giúp ông đặt bước chân trên con đường chinh phục đỉnh núi y học nhiều gian nan, thử thách. Năm 1984, ông xuất sắc thi đỗ bác sỹ nội trú chuyên khoa ngoại của Trường đại học Y Hà Nội. Năm 1987, bác sỹ trẻ Trần Ngọc Lương được phân công công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai.
Khi làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS-TS. Trần Ngọc Lương đã có dịp sang Pháp làm bác sỹ nội trú và làm chuyên gia y tế tại Cộng hòa Yemen. Những năm tháng nơi đất khách, quê người đối với bác sỹ Lương là cực kỳ quý giá, đã cho ông những trải nghiệm, kinh nghiệm không dễ gì có được.
Năm 2001, PGS-TS. Trần Ngọc Lương được điều chuyển công tác sang Bệnh viên Nội tiết Trung ương với nhiệm vụ thành lập Khoa Ngoại. Bằng những kiến thức đã học trên giảng đường đại học, những năm tháng làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai và những kinh nghiệm quý giá trên đất Pháp, Yemen, Singapore, bác sỹ Lương đã dồn hết tâm huyết để cùng với các đồng nghiệp từng bước gây dựng Khoa Ngoại.
Từ Khoa Ngoại ban đầu, đến nay, Bệnh viện đã phát triển thành 4 cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, chuyên trách khác nhau với gần 100 cán bộ, nhân viên.
Từ năm 2016, PGS-TS. Trần Ngọc Lương được giao trọng trách Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Công việc quản lý vô cùng bận rộn, song ông vẫn chăm lo phát triển chuyên môn, đồng thời luôn chú tâm giảng dạy cho thế hệ y, bác sỹ trẻ, để họ luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”.
Với đôi tay vàng tài hoa, y đức vẹn toàn của một người thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh, đây vừa là công việc, vừa là niềm vui, vì ước mơ lớn của ông chính là được cống hiến trọn đời cho người bệnh.
Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp nhiều ưu việt
Theo thống kê, ở nước ta có khoảng 7 - 10% dân số bị bướu cổ, bao gồm: ung thư tuyến giáp, Basedow, bệnh bướu nhân, viêm tuyến giáp… Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp rất cao, lên tới 70%.
Để điều trị bệnh dứt điểm, bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật tuyến giáp. Thế nhưng, nếu mổ theo kiểu truyền thống sẽ để lại vết sẹo dài ở cổ. Với những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi, phương pháp này gây mất thẩm mỹ, làm mất đi sự tự tin của phái đẹp. Nhiều người do sợ mổ để lại sẹo, nên đã không đi mổ. Khi bệnh quá nặng mới đến khám, điều trị, thì bệnh đã diễn biến phức tạp.
PGS-TS. Trần Ngọc Lương đã mất nhiều ngày đêm trăn trở nhằm tìm ra phương án tốt nhất, vừa có thể phẫu thuật thành công, vừa giảm thiểu khả năng để lại sẹo. Ông đã tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Tại sao không áp dụng kỹ thuật mổ nội soi vào phẫu thuật tuyến giáp?”.
Sau nhiều năm tích cực nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn, PGS-TS. Trần Ngọc Lương đã tìm được câu trả lời. Ông công bố công trình nghiên cứu “Ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp”. Đây là một trong những đề tài nổi bật nhất của KC.10 - chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về y - dược học.
Điểm độc đáo nhất của phương pháp mới này là mổ theo đường ngực và nách, thay vì mổ ở cổ như phương pháp truyền thống, đặc biệt, có thể áp dụng để phẫu thuật rất nhiều loại bệnh tuyến giáp: bướu đơn nhân, bướu đa nhân, ung thư tuyến giáp, bệnh Basedow, nạo vét hạch trong ung thư…
Bằng những dụng cụ đơn giản, không cần đến những thiết bị phức tạp, thời gian nhanh chóng, hiệu quả trị liệu và thẩm mỹ cao, tiết kiệm chi phí điều trị, phương pháp phẫu thuật tuyến giáp mới đã thể hiện rõ sự ưu việt so với các phương pháp cũ, giúp các bệnh nhân vơi đi nỗi lo về di chứng sau khi phẫu thuật.
Ở Hàn Quốc, các bệnh viện phẫu thuật tuyến giáp bằng rô-bốt thường mất gần 2 tiếng, chi phí điều trị lên tới 10.000 USD. Trong khi đó, phương pháp của bác sỹ Lương chỉ mất khoảng 20 - 30 phút, giá thành phải chăng hơn, mà vẫn đảm bảo được độ an toàn, hiệu quả.
Sự thành công của phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp do PGS-TS. Trần Ngọc Lương sáng tạo ra đã giúp số lượng người được mổ tuyến giáp tăng đột biến. Từ năm 2003 đến nay, có khoảng 5.000 bệnh nhân được mổ bằng kỹ thuật này. Đây là số lượng bệnh nhân được mổ tuyến giáp lớn nhất Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới.
Không chỉ trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật, PGS-TS. Trần Ngọc Lương cũng rất chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận. Ông luôn là người thầy đáng kính, là người đã dìu dắt, truyền đạt nhiều tri thức quý báu cho các thế hệ bác sỹ, chuyên gia trong và ngoài nước.
Từ tháng 9/2009, ông đã tổ chức đào tạo thành công nhiều lớp phẫu thuật mổ nội soi tuyến giáp, tạo ra đội ngũ cán bộ nguồn để giúp phương pháp mới tiếp tục được truyền bá rộng rãi. Không những vậy, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông đã đào tạo được 139 học viên trong nước và có đến 230 giáo sư, bác sỹ của các nước trong khu vực như
Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Australia, Ấn Độ, Philippines, Ả-rập Xê-út, Bồ Đào Nha… đến nước ta để học về kỹ thuật này của ông.
PGS-TS. Trần Ngọc Lương còn là một trong những bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài nhiều nhất để giảng dạy cho 27 bệnh viện ở trường đại học tại các nước trong khu vực châu Á.
Dành cả cuộc đời để chữa bệnh cứu người, trái tim bác sỹ Trần Ngọc Lương luôn thổn thức cùng bệnh nhân. Ông chia sẻ: “Cảm giác rất phấn khởi và vui mừng khi là một phẫu thuật viên mổ và chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, nhất là những bệnh khó, nặng”.