Lãi suất khó giảm thêm
Tuần qua, thị trường xôn xao khi một số ngân hàng liên tiếp tung ra những gói cho vay có lãi suất vô cùng hấp dẫn, với lãi suất cho vay sản xuất chỉ 6 - 7%/năm, cá biệt, lãi vay tiêu dùng được Ngân hàng OceanBank hạ sâu xuống còn 5,91%/năm.
| ||
Lãi vay tiêu dùng đã được OceanBank giảm còn 5,91%. (Ảnh: Đ.T) |
Theo giải thích của các ngân hàng thương mại, họ phải giảm sâu lãi suất cho vay bởi vốn đang ế thừa, trong khi áp lực lợi nhuận cho những tháng cuối năm ngày càng tăng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc một số ngân hàng hạ sâu lãi suất cho vay là rất tốt.
Sở dĩ các ngân hàng này có thể hạ lãi vay thấp hơn cả trần lãi suất huy động là do họ có thể huy động được nguồn vốn rẻ từ các tổ chức quốc tế, từ Chính phủ, từ tiền gửi doanh nghiệp…
Dù vậy, từ việc phá giá lãi suất của một số ngân hàng mà kết luận lãi suất có thể giảm sâu thêm là không có cơ sở.
“Lãi suất cho vay của một số ngân hàng có thể hạ thêm ở một mức nhất định do ngân hàng không tìm được khách vay. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, lãi suất sẽ khó giảm thêm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Trên thực tế, đúng là mặt bằng lãi suất đang giảm sâu so với năm 2012, nhưng tính đến cuối tháng 8/2013, vẫn còn trên 25% khoản vay có lãi suất trên 13%/năm.
Hơn nữa, lạm phát cũng là một yếu tố khiến mục tiêu giảm lãi suất thêm khó. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, lạm phát năm nay có thể lên tới 7,5%, vượt xa mục tiêu Chính phủ đề ra, nên mục tiêu hạ lãi suất là rất khó.
Chưa thể bỏ trần lãi suất huy động
Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 7 lần điều chỉnh trần lãi suất VND. Cùng với giảm lãi suất cho vay, trần lãi suất huy động cũng đã được dỡ bỏ từng phần. Cụ thể, đầu tháng 6/2012, Ngân hàng Nhà nước bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đến cuối tháng 6/2013, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bỏ quy định trần lãi suất đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nhưng tính trật tự, kỷ luật trên thị trường vẫn được duy trì, không có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất giữa các tổ chức tín dụng với nhau nhằm chèo kéo khách hàng; không có hiện tượng người dân rút tiền từ ngân hàng này sang gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất.
Đặc biệt, mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng người dân vẫn yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tính đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VND của dân cư trong hệ thống ngân hàng tăng tới 13,78% so với cuối năm 2012.
Trong điều kiện ngân hàng dư thừa vốn, trần lãi suất huy động được gỡ từng phần nhưng không xảy ra xáo trộn, có quan điểm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ hẳn trần lãi suất huy động.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước giữ trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là cần thiết, vừa tạo dư địa cho điều hành, vừa tạo sự linh hoạt cần thiết cho các ngân hàng nhỏ cạnh tranh huy động vốn. Hơn nữa, cùng với nguy cơ lạm phát tăng, hiện các ngân hàng yếu kém vẫn chưa được xử lý triệt để, nên việc gỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất có thể sẽ gây ra cơn “sóng ngầm” trên thị trường.
Báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ mới đây cũng khẳng định, việc điều hành lãi suất, trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.
Như vậy, có thể hiểu, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đang khá “hài lòng” về chính sách điều hành lãi suất và chưa phát ra tín hiệu nào về việc bãi bỏ trần lãi suất huy động.
Thùy Liên