Tài chính - Chứng khoán
Phải thu đủ theo chỉ đạo của Thủ tướng
Mạnh Bôn - 22/07/2013 07:06
Cả hệ thống tài chính đang chạy đua với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng đã chỉ thị toàn ngành tài chính, phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không điều chỉnh dự toán thu - chi, giữ bội chi ở mức 4,8% GDP.

Thưa ông, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm mới đạt 43,7% dự toán, nhưng nhiều địa phương đã bày tỏ quyết tâm thu đủ và vượt dự toán?

Tính đến hết quý II/2013, thu nội địa mới đạt 43,3% dự toán, dù có tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng đây là mức tăng thu thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Còn thu từ hoạt động xuất-nhập khẩu mới đạt 37,2% dự toán và chỉ tăng 5,8% so với cùng kỳ, cũng là mức tăng thu thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Thu ngân sách khó khăn như vậy, nhưng lãnh đạo cơ quan thuế, hải quan nhiều địa phương, đặc biệt là những địa phương có số thu lớn, có tính chất quyết định trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cả ngành tài chính như TP.HCM, Đà Nẵng…, vẫn bày tỏ quyết tâm và đã đưa ra nhiều giải pháp khả thi, hữu hiệu để thu đủ số thu ngân sách được giao. Tôi đánh giá rất cao tinh thần này.

Còn bản thân lãnh đạo Bộ Tài chính thì sao, thưa ông?

Chúng tôi xác định, từ nay đến hết năm 2013, nhiệm vụ của toàn ngành thuế, ngành hải quan là ưu tiên và tập trung ở mức cao nhất trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phải thường xuyên làm việc với lãnh đạo các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thu đủ số thu đã được giao. Tôi xin nhấn mạnh là thu ngân sách trên tinh thần thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, không ép thu.

Thực tế là, vẫn còn một “khoản thu” rất lớn nằm ở nợ đọng thuế, nếu thu được một phần từ khoản này, thì ngân sách năm nay cũng bớt căng thẳng?

Theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nợ đọng thuế ở mức chấp nhận được tối đa là 5% tổng số thu ngân sách. Thế nhưng, tại Việt Nam, chỉ tính riêng phần thu nội địa, tỷ lệ nợ đọng năm 2008 tương đương 9,5% và đã giảm liên tục trong 3 năm sau đó, xuống 6,9% vào năm 2011. Song năm 2012 số nợ đọng thuế đã tăng vọt lên mức 10%. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số thuế nợ đọng đã lên tới 64.632 tỷ đồng, tăng 15.497 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2012.

Tôi đã yêu cầu ngành thuế, hải quan phải nghiên cứu thật kỹ tình hình nợ đọng thuế để có giải pháp xử lý vấn đề này. Cụ thể, cơ quan quản lý thuế phải giám sát chặt chẽ tình hình nợ đọng của từng người nộp thuế, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là ngân hàng, kế hoạch - đầu tư để thu hồi nợ thuế theo đúng Luật Quản lý thuế. Cơ quan quản lý thuế phải thường xuyên rà soát thông tin về người nộp thuế, mã số thuế để có biện pháp xử lý người nộp thuế vi phạm và kịp thời đóng mã số thuế của người nộp thuế bỏ trốn, mất tích, giải thể hoặc phá sản.

Ngoài nợ đọng thuế, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ngày một gia tăng. Nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì thu ngân sách khó có thể bền vững?

Nếu giai đoạn 2006-2010, thanh tra thuế chỉ thực hiện truy thu tiền thuế gian lận và tiền xử phạt vi phạm hành chính thuế bình quân 4.500 tỷ đồng/năm thì đến năm 2011, thanh tra thuế kết luận truy thu vào ngân sách 7.600 tỷ đồng. Còn năm 2012, số tiền thanh tra thuế kết luận truy thu vào ngân sách đã lên tới 14.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính liên tục thảo luận về vấn đề trốn thuế, gian lận thuế, chuyển giá, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp… Để chống thất thu, tôi đã chỉ đạo cơ quan quản lý thuế từ Trung ương đến địa phương phải huy động mọi nguồn lực, tập trung thanh tra, kiểm tra, trong đó phải chú trọng thanh tra, kiểm tra đối với giao dịch liên kết, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu nghi ngờ, doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu nghi ngờ…

Tin liên quan
Tin khác