Không lâu sau khi Base về chung một nhà với FPT, ông Phạm Kim Hùng, sáng lập, CEO Base đã có chia sẻ quan điểm về việc một startup như thế nào sẽ hấp dẫn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm ở thị trường Việt Nam.
Ông chia sẻ rằng, mỗi khi đọc các bài báo về việc làm thế nào để một startup hấp dẫn đầu tư, ông cảm thấy khá khó hiểu. Bởi ông không thể nghĩ nếu như cách đây 4-5 năm, ông và các cộng sự thành lập Base chỉ để “hấp dẫn đầu tư”. Với ông điều này vừa kỳ lạ, vừa không thông minh.
Chúng ta đã phải nghe quá nhiều về thông tin các quỹ hàng năm đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho các thương vụ, một ai đó giàu lên sau một đêm, hay truyền thông liên tục về shark tank.
"Tôi cho rằng, những điều đó khác rất nhiều so với thực tế, ít nhất với các startup công nghệ nên bị ám ảnh quá nhiều câu chuyện về tiền", ông Hùng khẳng định.
Tại sao tôi phải nhận đầu tư?
Trên thực tế, tôi không biết có một founder nào xây dựng được một công ty thực sự thành công với sứ mệnh ban đầu là “để gọi vốn” cả.
Nếu bạn có cơ hội vượt qua 1-2 năm ban đầu khởi nghiệp với rất nhiều gian khó, bạn sẽ nhận ra một sự thật hiển nhiên: bạn sẽ phải tiếp tục làm việc vô cùng vất vả trong 5-10 năm tiếp theo. Đó là trong trường hợp startup của bạn có cơ hội thành công.
Đây là một khoảng thời gian bất định, hoài nghi, đầy lo âu và dường như không có điểm dừng. Điều thôi thúc bạn tiếp tục, không phải là nhận thêm đầu tư (bạn sẽ mất cảm giác đó rất nhanh sau 2-3 vòng gọi vốn) chính là trách nhiệm và niềm tin của khách hàng và của những người anh em đi theo bạn. Họ đã thực sự “dành cả tuổi thanh xuân” để cùng bạn vượt qua những lúc khó khăn nhất.
Đó là thời điểm bạn sẽ phải hỏi quỹ đầu tư (hoặc tự hỏi chính mình): Tại sao tôi phải nhận đầu tư?
Đây là một câu hỏi khó, vì từ lúc này trở đi, nó sẽ phải là một cuộc chơi công bằng. Và chính bản thân bạn phải được thuyết phục về điều này. Đầu tư chắc chắn là một gánh nặng rất lớn và không phải với ai thì cũng tốt như nhau.
Ông Phạm Kim Hùng, sáng lập và CEO Base. |
Base đã có những nhà đầu tư tuyệt vời trong chặng đường trước đây. Và ông Hùng luôn thừa nhận rằng điều đó đến từ may mắn nhiều hơn là kỹ năng. Họ luôn tin tưởng vào Base có thể đơn giản vì họ thích sự tập trung của những con người đang ngày đêm gây dựng Base. Hoặc có thể vì Base đã luôn cung cấp nhiều hơn những thứ họ cần trong tất cả các năm.
Trong khoảng thời gian đó, ông Hùng cũng đã làm việc với hầu hết các quỹ đầu tư trong khu vực.
Điều rất khó cho founders nói chung là luôn phải tử tế và quản lý cảm xúc (đôi khi là giả vờ) trong đàm phán. Khi làm việc với họ, ông luôn nói với họ: “Tôi biết các trò chơi của quỹ đầu tư, nhưng tôi không muốn chơi nó”.
Cũng không phải tất cả đều hiểu điều đó thực sự nghĩa là gì. Nhưng dù bạn có tử tế và khiêm tốn như thế nào đi nữa, điều cốt lõi nhất trong đàm phán vẫn là để giúp bạn tìm ra một câu trả lời duy nhất: họ (các nhà đầu tư) có thực sự tin tưởng và tôn trọng con đường bạn đang đi và tôn trọng những người anh em của bạn hay không.
Nếu câu trả lời là không, thì dù định giá có hấp dẫn như thế nào đi nữa, bạn cũng nên từ chối.
Ông Hùng cho rằng, Base chỉ làm việc với các nhà đầu tư thực sự tin tưởng vào sứ mệnh mà công ty đã cam kết |
Kích hoạt hết tiềm năng của những người xây dựng startup
Ở chiều ngược lại, quỹ đầu tư cần điều gì nhất ở một founders? Câu hỏi quá rộng, nên ông Hùng muốn trích lại quan điểm của Paul Graham, nhà đầu tư mạo hiểm và đồng sáng lập Y Combinator (Mỹ):
“Đó chính là sự nghiêm túc và nghiêm chỉnh. Founders muốn làm điều gì đó với một lý do đúng đắn được thôi thúc từ bên trong và cố gắng hết sức mình để làm nó”.
Theo Paul Graham, ngay cả như vậy cũng không chắc startup sẽ thành công, nhưng nếu không được thế thì toàn bộ câu chuyện đầu tư là hoàn toàn vô nghĩa.
Hay như một nhà đầu tư mà ông Hùng gọi thân thiết là người anh đã đầu tư vào Base từ ngày đầu tiên với một triết lý đơn giản hết sức: chỉ đầu tư vào những người được chọn.
Câu chuyện nhà đầu tư này hay kể là đầu tư vào Base không có gì khác ngoài việc kích hoạt hết tiềm năng của những người xây dựng lên nó.
“Đến bây giờ anh ấy vẫn không thể nói cho tôi biết chính xác vì sao chúng tôi được chọn”, ông Hùng chia sẻ.
Có thể chính bản thân nhà đầu tư này cũng không thể cắt nghĩa một cách rõ ràng và đó chỉ là lý giải cho sự tin tưởng. Vậy nên trên thực tế, việc đầu tư được thực hiện dù không cần một bảng điều khoản nào cả.
Gần đây, cho đến khi Base đã làm việc gần 3 tháng và đứng trước một số lời đề nghị tuyệt vời cho series A, ông Hùng đã may mắn gặp lại một người anh đáng kính ông Trương Gia Bình, sáng lập FPT đúng vào thời điểm quan trọng nhất.
Ông Phạm Kim Hùng (ngoài cùng bên phải) cùng ông Trương Gia Bình và ông Nguyễn Văn Khoa tại sự kện công bố Base về chung một nhà với FPT mới đây. |
Thật kỳ lạ khi câu chuyện với ông Bình cũng giống hệt câu của 5 năm trước: Cách mở khoá để Base đi nhanh và cao hơn thêm một lần nữa.
Đối với nhiều người, dưới góc nhìn kinh doanh, Base và FPT là một sự kết hợp bất ngờ và kỳ lạ, nhưng ông Hùng muốn chia sẻ rằng, nếu không phải là ông Bình và FPT thì mọi chuyện sẽ không bao giờ diễn ra. Mọi thứ không có gì hơn là niềm tin và kỳ vọng cho một chặng đường mới, một ước mơ mới lớn hơn.
Đó thực sự là câu chuyện những người sáng lập Base và FPT sẽ theo đuổi trong 30 năm tiếp theo. Ông Hùng không có ý định sẽ kể câu chuyện đó lúc này, có thể sau một vài năm nữa.