Doanh nghiệp
Phạm Văn Quân, sáng lập, kiêm Chủ tịch 4TE: Giải pháp truy xuất nguồn gốc cho thị trường ngách
Hồng Phúc - 26/09/2021 14:37
Đối mặt với đại dịch, Phạm Văn Quân và đội ngũ 4TE chủ động xoay chuyển, tìm ra ra cơ hội mới trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản…
Phạm Văn Quân, sáng lập, kiêm Chủ tịch 4TE

Kết nối tiêu thụ nông sản

Checkee GAS - giải pháp truy xuất nguồn gốc bình gas theo mã số serial in trên thân bình là “đứa con đầu lòng” đã giúp 4TE (có ý nghĩa là công nghệ 4.0 và technical) vượt qua hàng loạt đối thủ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc… để trở thành đối tác của SOPET Gas One (Nhật Bản).

Phải mất 3 năm, Phạm Văn Quân và đội ngũ 4TE mới vượt qua giai đoạn khởi động. Đang từng bước chuyển sang giai đoạn ổn định, hướng tới phát triển, thì 4TE bị chững lại bởi Covid-19 diễn biến quá phức tạp tại các tỉnh phía Nam.

Không chọn tạm ngừng hoạt động, dựa trên nguồn lực công nghệ sẵn có, Quân quyết định đẩy mạnh triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Checkee AG.

Phạm Văn Quân chia sẻ, trong suốt 5 tháng qua, 4TE chưa có thêm hợp đồng mới, nhưng nhờ các hợp đồng đã ký với đối tác trong và ngoài nước, trong đó có những doanh nghiệp lớn của ngành gas tại miền Nam và Nam Trung bộ, nên Công ty vẫn đảm bảo kinh phí hoạt động, triển khai các hoạt động online.

“Đội ngũ 4TE có 24 người. Khi triển khai Dự án Prefood, tôi đã khích lệ, hướng dẫn, đào tạo và kéo tất cả nhân sự hoạt động trở lại, theo hình thức online. May mắn là 4TE vẫn đảm bảo 100% lương cho tất cả nhân sự”, Quân nói.

Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, Quân nhận được nhiều tin nhắn, đọc được nhiều bài viết chia sẻ về sự khó khăn của người nông dân trong tiêu thụ nông sản. Trong khi đó, ở TP.HCM, không ít gia đình không thể mua rau, củ, quả hàng ngày.

“Tôi cùng anh em trong Công ty bàn bạc và quyết định trong 1 đêm với chiến dịch Đồng hành cùng bà con miền Tây và Lâm Đồng, đưa nông sản về TP.HCM”, Quân nhớ lại.

Từ đây, thương hiệu Prefood (viết tắt của cụm từ prepare food, nghĩa là chuẩn bị thực phẩm) ra đời, đảm bảo 3 nguyên tắc: có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng - sản phẩm an toàn và bình ổn giá.

Prefood đã kết nối với một số địa phương đưa hơn 50 tấn nông sản về phân phối tại TP.HCM. Đội ngũ nhân sự của 4TE “bận rộn” trở lại.

Ngoài ra, Quân và đội ngũ 4TE còn đang triển khai chiến dịch Cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh tồn vượt qua mùa dịch và bùng bổ sau đại dịch bằng chương trình hỗ trợ miễn phí gói truy xuất thông tin barcode trên ứng dụng Checkee cho tất cả sản phẩm OCOP trên toàn quốc trong 5 năm và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 2 năm.

“Dù phát triển ở mảng nào, chúng tôi đều đặt mục tiêu góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và vì sự an toàn của người tiêu dùng tại Việt Nam”, Quân nói.

Tập trung cho thị trường ngách

Sinh năm 1979, tốt nghiệp khoa Toán - Tin ứng dụng (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phạm Minh Quân thuộc thế hệ đầu tiên làm về phát triển dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, phát triển ứng dụng và mobile web.

Bước ngoặt sự nghiệp của Quân đến vào năm 2016. Anh nhận ra, dịch vụ giá trị gia tăng dần thoái trào, nhiều dịch vụ không còn phù hợp xu hướng. Anh chuyển vào TP.HCM sinh sống, tham gia các dự án số hóa, quản lý và truy xuất nguồn gốc cho một số doanh nghiệp và Sở Công thương TP.HCM.

Gần 2 năm sau đó, Quân thành lập 4TE, chuyển hoàn toàn sang một lĩnh vực mới phù hợp với xu hướng phát triển, đó là chuyển đổi số.

Một lần, tham dự hội thảo về chuyển đổi số, Quân được biết, theo quy định, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khí gas phải ứng dụng công nghệ để có sổ theo dõi điện tử cho từng bình gas. Sau khi nghiên cứu thêm nhiều thông tin, anh cùng một số đồng nghiệp quyết định tập trung vào thị trường ngách là chuyển đổi số cho ngành gas trong thời gian đầu thành lập.

Khi ấy, nhiều người cho rằng, giải pháp của 4TE thiếu tính thực tế, bởi số seri trên bình gas thường bị phai mờ sau quá trình dài sử dụng, hơn nữa, trong trạm chiết nạp không được dùng điện thoại di động và kết nối wifi, nên không thể quét mã xuất, nhập bình gas...

Nhận thức được những trở ngại này, Quân cùng đội ngũ đã mất nhiều đêm thức trắng để tìm tòi, nghiên cứu và sau hơn 3 tháng, họ đã tìm ra được giải pháp. Đó là sử dụng loại máy in và loại mực in phù hợp để in số seri lên thân bình gas bằng kim loại, mặt cong, dù sử dụng nhiều năm cũng không bị phai mờ. Họ cũng tìm một loại thiết bị vừa dùng offline, vừa dùng online đảm bảo yêu cầu phòng chống cháy nổ tại trạm chiết và có thể quét mã hàng chục ngàn bình gas mỗi ngày.

Với giải pháp này, 4TE được hàng loạt doanh nghiệp gas chọn làm đối tác, trong đó có SOPET Gas One.

“Khi Tổng giám đốc SOPET Gas One đặt bút ký hợp đồng với 4TE, cũng là lúc tôi thêm tin rằng, giải pháp của 4TE hoàn toàn có thể triển khai ra các nước trong khu vực”, Quân bày tỏ. Đây cũng chính là định hướng của 4TE trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác