Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận 161/TB-VPCP ngày 15/6/2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc mua toàn bộ số lượng vắc-xin phòng Covid-19 AZD1222 do Astrazeneca sản xuất theo giá phi lợi nhuận, bao gồm cả 288.000 liều do Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam đã nhận từ Công ty AstraZeneca.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp 4 vắc xin Covid-19, gồm: Astrazeneca, Sputnik V, Sinopharm và Pfizer. |
Trong chiều nay, ngày 16/6/2021, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam thống nhất phân bổ lô hàng 288.000 liều vắc-xin mà VNVC đã nhận được từ AstraZeneca, theo đó sẽ ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch Covid-19.
Liên quan tới vắc-xin Pfizer của Mỹ, ngày 16/6, đại diện hãng dược Pfizer cho biết, gần đây, hãng ghi nhận nhiều vắc-xin Pfizer giả trên thế giới. Tại Việt Nam, hãng cũng ghi nhận trường hợp một số cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vắc-xin Pfizer.
Đại diện hãng này khẳng định, vắc-xin Pfizer cung cấp trực tiếp qua thoả thuận song phương với Chính phủ Việt Nam, không có nguồn tư nhân nào là hợp pháp.
Về lộ trình, Pfizer cam kết cung cấp vắc-xin cho Việt Nam trong quý III và IV năm nay. Trong đó, một phần của lô vắc-xin này sẽ về Việt Nam trong tháng 7.
Bên cạnh đó, đại diện Pfizer nhấn mạnh, hiện hãng đảm bảo cung cấp vắc-xin thông qua nguồn hợp pháp và được phê duyệt từ Chính phủ các nước.
Được biết, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã đạt thoả thuận với hãng dược Pfizer để cung cấp 31 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam.
Ngày 12/6, Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp loại vắc-xin này cho phòng, chống Covid-19. Đây là vắc-xin do công ty Pfizer và BioNTech phối hợp sản xuất, dạng bào chế hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc-xin mRNA Covid-19.
Với các nguồn vắc-xin khác theo GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Covax thông báo sẽ có thêm khoảng 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca đến Việt Nam vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.
Toàn bộ số vắc xin này sẽ được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các tỉnh có khu công nghiệp.
Từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC.
Theo GS Đức Anh, Việt Nam đặt mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay để bao phủ tối thiểu 70-80% dân số, hình thành miễn dịch cộng đồng.
Song đến nay mới có 4 lô vắc xin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều, trong đó lô đầu tiên của VNVC gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều của VNVC về tối 25/5.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 1.5 triệu liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai, yêu cầu tiêm xong trong tháng 6.
GS. Đức Anh cho biết, vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm.
Đặc biệt với Pfizer, điều kiện bảo quản phải ở nhiệt độ âm sâu -70 độ C, nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng, vì vậy thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc Phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã phê duyệt khẩn cấp 4 vắc xin Covid-19, gồm: Astrazeneca, Sputnik V, Sinopharm và Pfizer.