Chuyển động thị trường
Phân khúc khách sạn: Cung tăng, công suất thuê cao
Gia Huy - 17/04/2018 20:32
Sự tăng trưởng mạnh của lượng khách lưu trú giúp phân khúc khách sạn TP.HCM hoạt động khá hiệu quả và tiếp tục có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Cung tăng, công suất thuê cao

Theo báo cáo mới nhất của Savills, trong quý I/2018, nguồn cung khách sạn tại TP.HCM tăng 2% theo năm, đạt hơn 16.500 phòng từ 133 dự án. Tăng trưởng nguồn cung này nhằm đáp ứng lượng khách lưu trú tăng.

Tính toán của Savills cho thấy, nguồn cung phòng khách sạn TP.HCM đến năm 2020 có 14 dự án mới, cung cấp khoảng 3.500 phòng. Mặt khác, hiện có hơn 300 phòng từ 4 khách sạn 3 đến 4 sao đang chờ thẩm định sao.

TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều khách sạn hạng sang. Ảnh: Gia Huy

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, năm 2017, phân khúc khách sạn đã ghi nhận công suất tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong mùa cao điểm khách du lịch quốc tế, công suất tăng đến 12 điểm phần trăm theo quý.

Trong quý I, thông tường là quý thấp điểm, nhưng quý I/2018, thị trường khách sạn TP.HCM vẫn hoạt động tích cực với công suất thuê trung bình đạt 74%, tăng 6 điểm phần trăm theo năm. Giá phòng trung bình đạt 83 USD/phòng/đêm, tăng 4% theo năm do cả 3 hạng 3, 4, 5 sao đều tăng giá thuê, lần đầu tiên diễn ra trong 3 năm qua.

Còn theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Thành phố đạt 1,98 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 26,3% kế hoạch năm 2018 (7,5 triệu lượt).

Cùng với đó, tổng doanh thu du lịch Thành phố, gồm dịch vụ lưu trú, nhà hàng và du lịch lữ hành ước đạt 31.766 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ, đạt 23% kế hoạch năm 2018 (138.000 tỷ đồng).

Cũng theo số liệu từ UBND TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2018, Thành phố có 349 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú thành lập, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký 1.256 tỷ đồng và 1.282 doanh nghiệp tăng vốn, với hơn 3.096 tỷ đồng.

Triển vọng tươi sáng

Theo giới phân tích, phân khúc khách sạn tại TP.HCM đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ nhiều yếu tố.

Cụ thể, theo Sở Du lịch TP.HCM, trong năm 2017, có 6,3 triệu khách quốc tế đến Thành phố và lưu trú lại, tăng 22,88% so với năm 2016. Khách chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong năm 2018, Sở tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, chú trọng nâng cao chất lượng trong công tác chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành du lịch Thành phố, đã được HĐND, UBND Thành phố phê duyệt. Đồng thời, xác định các nhóm chỉ tiêu phấn đấu thực hành và vượt mức với lượng khách quốc tế đến TP.HCM năm 2018 đạt 7,5 triệu lượt; lượng khách du lịch nội địa phấn đấu đạt 29 triệu lượt; tổng thu du lịch phấn đấu đạt 138.000 tỷ đồng...

“Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tiếp tục đẩy mạnh thông qua các chương trình như phát triển sản phẩm du lịch đường sông, TP.HCM 100 điều kỳ thú, dịch vụ đạt chuẩn du lịch, nghệ thuật phục vụ khách du lịch, Lễ hội Áo dài, Ngày hội du lịch TP.HCM… Các sự kiện được nâng tầm, nâng chất với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng, chú trọng về chiều sâu và bảo đảm an toàn cho du khách”, ông Khánh nói.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào TP.HCM cũng là một yếu tố hỗ trợ cho phân khúc khách sạn phát triển.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2017, cả nước thu hút 35,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, mức cao nhất từ năm 2009. Trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 6,5 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 18,1% tổng vốn đăng ký cả nước. Trong quý I/2018, TP.HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 1,7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào TP.HCM, phần lớn là vào bất động sản, trong đó có phân khúc khách sạn, vừa giúp tạo nguồn cung chất lượng, vừa tạo sức cầu tiềm năng, vì sẽ có nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài đến công tác, làm việc tại Thành phố.

Một điểm nữa, dù quỹ đất trung tâm dành cho phát triển dự án nhà ở, văn phòng hạn chế, nhưng để phát triển các dự án khách sạn lại khá dồi dào, bởi các quỹ đất phát triển khách sạn không cần quá rộng.

“Với quỹ đất khoảng 200 - 2.000 m2 là có thể phát triển được 1 dự án khách sạn, vị trí không cần phải tuyến đường chính. Đối với quỹ đất này, các quận trung tâm TP.HCM vẫn rất nhiều. Nhiều nhà đầu tư ngoại đã tìm tới chúng tôi nhờ hỗ trợ để phát triển các dự án khách sạn hạng sang nhằm đón sóng đầu tư và du lịch của TP.HCM”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

Tin liên quan
Tin khác