Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, trong quý III/2016, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM tăng đột biến với sự gia nhập thị trường của 2 dự án mới là Trung tâm thương mại Saigon Centre giai đoạn II với diện tích 40.000 m2 tại quận 1 và Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân tại quận Bình Tân với diện tích 60.000 m2.
Đặc biệt, tại Saigon Centre là sự hiện diện của nhà bán lẻ Takashimaya đến từ Nhật Bản với các mặt hàng phong phú gồm thời trang, ẩm thực, trang sức, mỹ phẩm... ở các phân khúc từ trung cấp đến cao cấp. Ngoài Takashimaya là khách thuê chủ chốt (15.000 m2), Trung tâm thương mại Saigon Centre giai đoạn II đem những thương hiệu quốc tế nổi tiếng lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như Dsquared2, Stuart Weitzman, Carolina Herrera, TWG...
. |
Trong khi đó, nhà bán lẻ Aeon Mall cũng kịp mở chi nhánh Aeon Mall Bình Tân - trung tâm thương mại thứ 2 của tập đoàn bán lẻ này tại TP.HCM. Tương tự Aeon Mall Celadon City trước đó, Aeon Mall Bình Tân đánh mạnh vào hàng hóa phân khúc bình dân với Siêu thị Aeon. Báo cáo của CBRE Việt Nam cho rằng, với thiết kế hiện đại và quản lý tốt, Aeon Mall Bình Tân thu hút rất nhiều khách đến mua sắm và tham quan, mặc dù vị trí có phần kém hấp dẫn so với các trung tâm thương mại hiện hữu.
Liên quan đến vấn đề này, một công ty dịch vụ bất động sản tương tự CBRE là Jones Lang Lasalle Việt Nam nhận định rằng, phần lớn các nhà đầu tư Nhật Bản xem sự thành công của Aeon tại Việt Nam là một dấu hiệu tích cực cho các dự án đầu tư nước ngoài. Aeon đã mở cửa 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam và tham vọng gia tăng con số này lên 20 vào năm 2020.
Trong khi đó, Simply Mart - hệ thống cửa hàng bán lẻ của AuchanSuper, thương hiệu bán lẻ đến từ Pháp cũng vừa ra mắt thêm 3 cửa hàng tại TP.HCM và công bố kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm sau tại thành phố này và 20 cửa hàng đến năm 2020 ở khu vực phía Bắc. Theo đại diện Jones Lang Lasalle Việt Nam, nhờ vào sự cải thiện thu nhập khả dụng, các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, Mango, Topshop đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam.
“Việt Nam với dân số hơn 93 triệu người, 70% có độ tuổi từ 15 đến 64 là những yếu tố chính thu hút các nhà bán lẻ đầu tư và thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ. Dân số đô thị Việt Nam cũng được dự kiến tăng 2,6% hàng năm giai đoạn 2015 - 2020, đây là mức tăng cao nhất so với các đô thị khác trong khu vực”, bà Lê Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển Jones Lang Lasalle Việt Nam cho biết.
Còn bà Dương Thùy Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển (CBRE Việt Nam) nhận định rằng, sự xuất hiện của những nhân tố mới cũng mang đã cho thị trường bán lẻ TP.HCM nhiều khởi sắc với giá thuê mặt bằng trong quý III/2016 ổn định cả ở khu vực trung tâm cũng như ngoài trung tâm. Giá thuê của tầng trệt và tầng 1 các trung tâm thương mại khu vực trung tâm Thành phố tâm tăng nhẹ khoảng 1% so với quý II/2016. Giá thuê tại tầng trệt và tầng 1 của trung tâm thương mại ở khu vực ngoài trung tâm Thành phố tăng khoảng 0,5% so với quý trước. Ở những hạng mục khác, giá thuê không thay đổi. Trung bình toàn thị trường, tỷ lệ trống được cải thiện, giảm 1,14% so với quý II/2016, chủ yếu đến từ việc Vincom Đồng Khởi lấp đầy hơn 2.400 m2 diện tích cho thuê cho một thương hiệu mới lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam là Zara.
Cũng phải nói thêm rằng, trong bối cảnh những tháng đầu năm 2016, thị trường bán lẻ TP.HCM chứng kiến việc đóng cửa Parkson Paragon và Parkson Flenmington thì “cuộc đua” của những thương hiệu bán lẻ mới như Takashimaya, AuchanSuper hay Aeon Mall sẽ không dễ dàng như đi trên thảm đỏ. Trong khi đó, các thương hiệu bán lẻ mới dường như đã rút kinh nghiệm về mô hình trung tâm thương mại tổng hợp của Parkson để tìm ra đối tượng khách hàng cho riêng mình. Trong khi Takashimaya là điểm đến của các thương hiệu cao cấp, thì Aeon Mall lại hướng đến đối tượng khách hàng bình dân, còn AuchanSuper với chuỗi cửa hàng Simply Mart sẽ là điểm dừng chân của những người thích mua bán một cách đơn giản và tiện lợi.