Tài chính - Chứng khoán
Phân loại cổ phiếu “thử thần kinh” nhà đầu tư
Chí Tín - 23/06/2016 14:53
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 39 cổ phiếu trên sàn UPCoM trong "Bảng Cảnh báo nhà đầu tư".

Về cơ bản, những cổ phiếu bị đưa vào Bảng Cảnh báo nhà đầu tư hầu hết là các cổ phiếu có vấn đề về hoạt động kinh doanh hoặc quản trị. Thực chất, đây không phải là “án phạt” gì quá nghiêm trọng, bởi ngay trên sàn niêm yết cũng có những chuẩn mực để xác định một số cổ phiếu bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch…

Theo HNX, mục đích chính của việc phân bảng thị trường trên UPCoM chia thành nhiều cấp độ, trong khi một số cổ phiếu tốt được đưa vào Bảng UPCoM Premium thì ngược lại, một số cổ phiếu kém cũng bị đưa vào Bảng Cảnh báo. Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX, số doanh nghiệp trên UPCoM đang tăng rất nhanh và sẽ sớm vượt sàn niêm yết về số lượng. Do vậy, việc phân bảng cổ phiếu trên UPCoM nhằm tạo thêm một kênh thông tin để nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về các nhóm cổ phiếu. Theo đó, nhà đầu tư cũng sẽ dễ dàng hoạch định được danh mục cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư của mình.

Bảng cổ phiếu trên UPCoM có giá trị tham khảo cho nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Liên quan đến những cổ phiếu trong Bảng Cảnh báo nhà đầu tư, mặc dù đây đều là những cổ phiếu đang có vấn đề nào đó (về kinh doanh hoặc quản trị), nhưng không có nghĩa là những cổ phiếu cần “tẩy chay”, mà chỉ là một kênh thông tin được cơ quan tổ chức thị trường cung cấp thêm cho nhà đầu tư. Do đó, với những nhà đầu tư thích “cảm giác mạnh” – được ăn cả ngã về không - thì không ít cổ phiếu trong số này vẫn có thể là những lựa chọn không tồi. Trên thực tế, cũng có rất nhiều doanh nghiệp, sau những giai đoạn khó khăn nhất định trong ngắn hạn, khi có chiến lược tái cơ cấu hợp lý, vẫn có thể phục hồi và phát triển.

Trong số những gương mặt trong Bảng Cảnh báo nhà đầu tư, đã có một số tên tuổi không thể không khiến nhà đầu tư… đau tim, bởi những doanh nghiệp này thậm chí đã mắc lỗi kép. Chẳng hạn, Công ty cổ phần An Việt (mã AVF), Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Trung (mã PXM), Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (mã STL), vừa bị “bốc hơi” hết vốn chủ sở hữu, vừa bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (mã PSG), Công ty Cổ phần Sông Đà 27 (mã S27), vừa hết vốn chủ sở hữu, vừa bị kiểm toán đưa ý kiến trái ngược.

Nhìn vào các cổ phiếu trong nhóm cảnh báo, giới quan sát cho rằng, nhà đầu tư nên phân định rõ doanh nghiệp bị cảnh báo, do khó khăn về kinh doanh hay do các vấn đề về quản trị. Theo đó, những doanh nghiệp bị liệt vào danh sách vì những khó khăn khách quan trong hoạt động kinh doanh, có thể dễ phục hồi hoạt động hơn những doanh nghiệp yếu kém do năng lực và ý thức trong quản trị.

Chẳng hạn, trong Bảng Cảnh báo của HNX mới công bố, một số doanh nghiệp ý thức về công bố thông tin rất kém, như trường hợp Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (mã VSP) đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Một số doanh nghiệp khác cũng không nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm như Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế FBA (mã FBA), Công ty cổ phần Xi Măng Sông Lam 2 (mã PX1), Công ty cổ phần Nhựa Tân Hóa (mã VKP).

Tin liên quan
Tin khác