Thời sự
Phân vân vai trò kinh tế nhà nước
Hàn Tín - 04/06/2013 15:41
Quốc hội vừa kết thúc phần thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hội trường sau 2 ngày làm việc, nhưng vấn đề có nên quy định vai trò, vị thế chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp hay không vẫn chưa ngã ngũ.  
TIN LIÊN QUAN

Trong khi có nhiều ý kiến đề nghị, Hiến pháp chỉ nên quy định như Phương án 3: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” thì vẫn có không ít quan điểm ngược lại cho rằng, cần phải quy định thêm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” như Phương án 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Bùi Đức Thụ

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Bùi Đức Thụ, cả 3 phương án mà Ủy ban Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thảo luận về cơ bản đều tương đồng, thống nhất đưa nền kinh tế theo định hướng XHCN nhưng phải vận hành theo cơ chế thị trường thay vì cơ chế kế hoạch hóa tập trung như trước đây.

Sau khi cân nhắc, nghiên cứu, ông Thụ đồng ý với Phương án 2 với lý do, Phương án này khẳng định được bản chất của nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần; khẳng định được xu hướng tất yếu của nền kinh tế là định hướng XHCN; và để định hướng phải có phương tiện thực hiện, đó là kinh tế nhà nước.

“Nếu không quy định vai trò của kinh tế nhà nước sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Kinh tế nhà nước là phương tiện, là điều kiện vật chất để lãnh đạo, định hướng sự phát triển của nền kinh tế. Không thể thực hiện được mục tiêu nếu kinh tế nhà nước yếu, không đủ tiềm lực, không đủ sức mạnh để điều tiết”, ông Thụ phát biểu.

“Chúng ta thừa nhận có nhiều hình thức sở hữu, có nhiều thành phần kinh tế tham gia cạnh tranh bình đẳng, hợp tác cùng phát triển nhưng vẫn cần phải quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang, bà Trương Thị Thu Trang phát biểu.

Theo bà Trang, lựa chọn Phương án 2, một mặt vừa khẳng định được bản chất vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế. Mặt khác bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Thái Học

Ông Nguyễn Thái Học, ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng lên tiếng ủng hộ Phương án 2. Bởi theo ông, Phương án này vừa xác định một cách chung nhất tính chất nền kinh tế Việt Nam, vừa khẳng định một cách nhất quán, cụ thể thể vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

“So với bản Dự thảo Hiến pháp lấy ý kiến nhân dân (Phương án 3) thì đây là sự tiếp thu rất đáng trân trọng. Sự khẳng định này mang tính tất yếu khách quan, dựa trên bản chất nền kinh tế của Việt Nam đã là kinh tế thị trường định hướng XHCN thì kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, phủ nhận hay né tránh điều cốt lõi này tức là không thể hiện đúng lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay”, ông Học nói thêm.

Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang), Nguyễn Trung Thu (Long An)… đều bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua Phương án 2 nhằm khẳng định vị thế, vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.

“Khẳng định như vậy trong Hiến pháp thì Nhà nước mới có cơ sở nắm giữ một số lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, then chốt để dẫn dắt cả nền kinh tế và thực hiện điều tiết thị trường”, Đại biểu Hoàng Việt Phương phân tích.

Thừa nhận trong thời gian vừa qua, sự phát triển của kinh tế nhà nước mà chủ đạo là doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm… chưa tương xứng với vai trò, vị thế, thậm chí còn mất niềm tin của nhân dân do đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, nhưng Đại biểu Trịnh Ngọc Phương khẳng định quan điểm chọn Phương án 2.

Để kinh tế nhà nước khẳng định được vị thế của mình, theo bà Phương, ngoài quy định như Phương án 2, cần phải bổ sung quy định, kinh tế nhà nước không ngừng được củng cố và để trở thành nền tảng vững chắc và là động lực của nền kinh tế quốc dân trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo.

“Hy vọng, qua việc sửa đổi Hiến pháp lần này với việc khẳng định vị thế, vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước sẽ được củng cố và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình”, bà Phương kỳ vọng.

Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, ông Đinh Xuân Thảo

Tuy nhiên, ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc)… thì có quan điểm ngược lại và tha thiết Quốc hội thông qua Phương án 3.

“Đã là nền kinh tế thị trường, dù có thị trường định hướng XHCN đi chăng nữa cũng cần phải bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản là bình đẳng về địa vị, bình đẳng về cơ hội, bình đẳng về bảo hộ.

Trung Quốc họ cũng theo cơ chế thị trường, họ cũng định hướng XHCN và họ cũng không quy định kinh tế nhà nước là nền tảng, là nòng cốt”, ông Thảo nói.

Tin liên quan
Tin khác