Phan Xuân Cảnh (bên trái) và Nguyễn Sơn Tùng - hai thành viên đồng sáng lập Viec.Co |
Không ngại “ra khơi”
Ông Dzung Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam và Thái Lan vừa cam kết đầu tư vào Viec.Co 300.000 USD dạng trái phiếu chuyển đổi, giảm giá 20% cho vòng gọi vốn kế tiếp. “Đối với start-up non trẻ như chúng tôi, ở giai đoạn này, quan trọng nhất là sự định hướng, thứ hai là đối tác có thể giúp kêu gọi vòng vốn kế tiếp”, Phan Xuân Cảnh chia sẻ lý do hợp tác với CyberAgent.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2019, Viec.Co là start-up giúp kết nối các lao động tự do với doanh nghiệp. Để đăng ký thông tin trên Viet.co, người lao động cần cung cấp đầy đủ giấy tờ tùy thân cùng các giấy tờ cần thiết khác và sẽ được xác thực hồ sơ thông qua việc tích lũy đánh giá hoặc kinh nghiệm tại các doanh nghiệp. Hệ thống Viet.co cũng có cơ chế để cảnh báo doanh nghiệp về người lao động.
Sau khi được doanh nghiệp lựa chọn, người lao động giữ điện thoại bên mình và bật định vị trong suốt quá trình làm việc, chấm công trên app khi hoàn thành công việc. Với những nhóm lao động chọn công việc có thời gian dài, Viec.Co sẽ mua bảo hiểm cho người lao động hoặc trợ giá một phần.
Sau đợt gọi vốn thành công từ CyberAgent, Cảnh gọi điện thoại cho ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki để chia sẻ niềm vui. Anh là một cựu thành viên Tiki, gia nhập khoảng 8 năm trước, khi Tiki còn là một start-up chưa tới 20 người và các quỹ ở Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay. Thời điểm Cảnh dời đi, Tiki đã có hơn 1.000 nhân sự.
Nguyễn Sơn Tùng, người đồng sáng lập Viec.Co với Cảnh cũng từng là đồng nghiệp của anh tại Tiki. Cả hai cùng miệt mài làm việc và trưởng thành từ Tiki. “Lúc đó, không biết tương lai về đâu, nhưng chúng tôi làm vì sự đam mê với kim chỉ nam duy nhất là vì khách hàng”, Cảnh chia sẻ.
Anh nói, với khởi nghiệp, không thể nói trước điều gì, bởi đã có thống kê cho thấy, 90% start-up sẽ thất bại trong khoảng 5 năm đầu hoạt động. Nhưng, chính sự bất định đó lại đem đến trải nghiệm tuyệt vời cho những thủy thủ trên con tàu khởi nghiệp, khi đương đầu với sóng gió khi ra khơi. Với Tiki, đó là đem lại niềm vui cho hàng triệu người Việt thông qua mua sắm, còn với Viec.Co, đó là tạo cơ hội việc làm và có thêm thu nhập cho hàng triệu người lao động.
Cần mẫn làm điều tử tế
Trong câu chuyện với chúng tôi, không ít lần Cảnh nhắc đến câu nói được in rất to trong nhà kho của Amazon, đó là “Make history” (làm nên lịch sử). Anh bảo, có lẽ, sâu thẳm trong mỗi người, ai cũng muốn sống một cuộc đời ý nghĩa, để lại một cái gì đó.
Xuân Cảnh và Sơn Tùng đã tham gia thị trường thương mại điện tử từ năm 2011, khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Họ là những người tiên phong và theo một nghĩa nào đó, đã cùng tạo nên lịch sử với một lĩnh vực khá “hot”, được đánh giá sẽ thay đổi thị trường bán lẻ với quy mô hàng tỷ USD. Cả hai đều có điểm chung là sống với lý tưởng, luôn muốn làm những điều có ích cho xã hội, nhất là với nhóm công nhân/lao động phổ thông.
“Chúng tôi đang tiếp tục chiến đấu với Viec.Co và biết đâu, có thể khai phá một đại dương xanh mới. Cũng còn xa để nói tới chuyện đó, nhưng ít nhất, chúng tôi đã bắt đầu hành trình”, Cảnh kỳ vọng.
Từ những ngày đầu xây dựng Viec.Co, Cảnh và người bạn đồng hành luôn thấy bị thúc giục bởi sứ mệnh đem lại cơ hội gia tăng thu nhập cho hàng chục triệu người. Tham gia vào thị trường nhân sự, với nhiều đối thủ kỳ cựu, Viec.Co không hướng đến phân khúc công việc đòi hỏi kỹ năng cao, mà tập trung vào các nhóm công việc có độ phức tạp vừa phải, chủ yếu cần thái độ tốt và tinh thần làm việc trách nhiệm.
Đến nay, sau gần một năm triển khai, với những gì Viec.Co đang ghi nhận được, họ đang gia tăng 50% thu nhập cho người lao động, xét theo thu nhập bình quân ở Việt Nam.
Nhưng, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Trong gần một năm qua, Cảnh cùng đội ngũ Viec.Co luôn đối mặt với thách thức về lòng tin. Anh từng trải qua cảm giác hụt hẫng khi có ai đó gắn cho Viec.Co nhãn “lừa đảo” hoặc những phản hồi không tích cực trên mạng xã hội. Dẫu vậy, Cảnh luôn tin rằng, khi cần mẫn làm điều tử tế, chắc chắn, Viec.Co sẽ tạo dấu ấn khác biệt trên thị trường.
Phan Xuân Cảnh ước tính, tại Việt Nam có khoảng 20 triệu người là lao động phổ thông tự do. Con số này tại Đông Nam Á khoảng 100 triệu người và đây chính là “mảnh đất” cho Viec.Co khai phá.
Hình thành ý tưởng từ năm 2015, nhưng đến đầu năm 2019, Cảnh mới bắt đầu triển khai Dự án. Sau gần 1 năm triển khai, Viec.Co đã có 14.000 người đăng ký đi làm. Tháng gần nhất, Dự án tạo ra 1,5 tỷ đồng thu nhập cho các cộng tác viên. Viec.Co thu 20% phí giao dịch từ doanh nghiệp và hiện có 10 khách hàng doanh nghiệp thân thiết, thuộc lĩnh vực kho bãi, thương mại điện tử, bán lẻ và logistics.