Một tàu bay của Bamboo Airways hạ cánh đón khách tại sân bay Côn Đảo. |
Thông tin gây bất ngờ nhất trong tờ trình về việc thông qua Báo cáo tài chính năm 2022 vừa được HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) gửi Đại hội đồng cổ đông công ty dự kiến họp vào cuối tháng 6/2023 chính là khoản thua lỗ lên tới 17.619 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.
Theo đó, dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2022 của Bamboo Airways đạt 12.017 tỷ đồng, gấp 4,22 lần so với năm 2021, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của hãng bay này vẫn bị âm hơn 17.592 tỷ đồng. Nếu tính cả các hoạt động kinh doanh khác, Bamboo Airways kết thúc năm tài chính 2022 với tổng lợi nhuận kế toán trước thuế âm 17.619 tỷ đồng.
Trong trường hợp cộng cả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm trước (1.716 tỷ đồng), Bamboo Airways đã lỗ hơn 19.300 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu bị âm gần 836 tỷ đồng.
Việc Bamboo Airways - một hãng hàng không bị lỗ không phải là điều khó hiểu, bởi hãng cũng gia nhập thị trường chưa lâu, lại dính đúng vào 3 năm dịch Covid-19, nhưng khoản lỗ lũy kế lên tới hớn 19.300 tỷ đồng thực sự gây bất ngờ cho nhiều người. Nếu tính từ thời điểm thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên (16/1/2019), bình quân mỗi năm Bamboo Airways lỗ tới 4.800 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2022 của Bamboo Airways cũng ghi nhận việc tài sản ngắn hạn của hãng giảm mạnh, chỉ còn 10.442 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, so với 17.927 tỷ đồng tại thời điểm 1/1/2022, trong đó tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Bamboo Airways là rất thấp (85,4 tỷ đồng). Điều đáng nói là phần lớn tài sản ngắn hạn của Bamboo Airways nằm ở các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó đọng ở chứng khoán kinh doanh là 6.350 tỷ đồng.
Về tài sản dài hạn, tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2022, Bamboo Airways ghi nhận con số 7.565 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2022.
Điều đáng nói là Bamboo Airways đang phải dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 9.692 tỷ đồng, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi là 2.800 tỷ đồng.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 4/2023, Bamboo Airways cho biết, theo báo cáo tài chính tại ngày 31/3/2022, vốn điều lệ của Bamboo Airways là 18.500 tỷ đồng, gồm vốn góp bằng tiền là 7.763 tỷ đồng (trong đó 4.257 tỷ đồng được sử dụng cho hoạt động kinh doanh chính), vốn góp bằng cổ phiếu là 9.286 tỷ đồng và vốn góp bằng quyền khai thác tài sản là 1.450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số vốn góp bằng cổ phiếu và quyền khai thác tài sản không mang lại hiệu quả về dòng tiền trực tiếp cho Bamboo Airways. Trong khi, tổng công nợ của hãng lên đến 12.370 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các nhà cung cấp là 5.926 tỷ, dư nợ các tổ chức tín dụng là 5.300 tỷ và nợ thuế ở mức 390 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động kinh doanh hàng không) tại thời điểm 31/3/2022 bị lỗ lũy kế khoảng 9.000 tỷ đồng.
Bamboo Airways cho biết, tại thời điểm 31/3/2022, các ngân hàng cũng đã tạm dừng/hạn chế việc giải ngân, thực hiện thu hồi nợ vay trước hạn. Các công ty cho thuê tàu bay, các nhà cung cấp nhiên liệu bay, trang thiết bị kỹ thuật tàu bay, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không cũng gia tăng yêu cầu thanh toán giảm dư nợ, yêu cầu xem xét dừng hợp đồng nếu không đáp ứng yêu cầu thanh toán.
Để duy trì sự tồn tại, tránh bị đổ vỡ, phá sản, Bamboo Airways đã tiếp xúc với những nhà đầu tư quan tâm và đã tìm được nhà đầu tư mới là nhóm nhà đầu tư được ông Dương Công Minh cố vấn.
Kể từ tháng 4/2022, nhà đầu tư mới đã tích cực hỗ trợ tái cấu trúc hãng thông qua việc cử người tham gia vào HĐQT, Ban điều hành; hỗ trợ hãng đàm phán giãn, hoãn thời gian trả nợ với các đối tác cung cấp dịch vụ; và đặc biệt hỗ trợ dòng tiền cho Hãng thông qua các hợp đồng cho vay lên đến 7.500 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của nhà đầu tư mới, Bamboo Airways không chỉ duy trì được hoạt động mà còn tăng cường hoạt động khai thác đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng không sau dịch Covid 19.
Cụ thể, năm 2022, Bamboo Airways đã khai thác 51.423 chuyến bay và vận chuyển 7.054.352 lượt hành khách tăng trưởng lần lượt 114% và 174 % so với năm 2021. Sang quý I/2023, sản lượng khai thác của Bamboo Airways tiếp tục tăng trưởng 36% số chuyến bay khai thác và 52% lượt hành khách vận chuyển so với cùng kỳ năm 2022.
Về đội tàu bay, Bamboo Airways đã tiếp nhận thêm một tàu bay nâng tổng số tàu bay của Hãng lên con số 30 (theo giới hạn cho phép tại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không).
Mặc dù vậy, tình hình tài chính của Bamboo Airways vẫn vô cùng khó khăn với tổng các khoản nợ phải trả lên tới gần 18.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngân hàng là 3.936 tỷ đồng; dư nợ các nhà cung cấp 5.957 tỷ đồng, gồm nợ một số nhà cung cấp lớn như: Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex (PA): 700 tỷ đồng; Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) 1.466 tỷ đồng; các bên cho thuê tàu bay 1.994 tỷ đồng; nợ thuế 131 tỷ đồng; dư nợ vay từ nhà đầu tư mới 7.500 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bamboo Airways cho biết, theo số liệu sơ bộ làm việc với đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022, hãng sẽ phải trích lập dự phòng toàn bộ các khoản cho vay, khoản đầu tư không có khả năng thu hồi. Tổng các khoản phải trích lập dự phòng dự kiến lên tới 17.700 tỷ đồng dẫn tới vốn chủ sở hữu dự kiến sẽ bị âm khoảng 5.313 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2023, Bamboo Airways đặt kế hoạch tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên hai con số, khoảng 15-20% tùy diễn biến thị trường. Để bắt kịp đà hồi phục, hãng đang cân nhắc và tính toán các kịch bản để tăng đội bay, mở rộng mạng bay cũng như nâng cao hiệu quả khai thác.
Tuy nhiên, kế hoạch sẽ phụ thuộc rất lớn về tiến trình cơ cấu lại Bamboo Airways, đặc biệt là tái cơ cấu tài chính với sự xuất hiện thêm của các cổ đông lớn có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo, duy trì dòng tiền đối với hãng bay đang nằm trong diện theo dõi, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông - vận tải.