Hải Phòng chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch. Trong ảnh: Khách sạn Pullman Hải Phòng. Ảnh: T. Tân |
Đa dạng sản phẩm
Phát huy tiềm năng, lợi thế và những giá trị văn hóa - lịch sử, du lịch Hải Phòng đã xây dựng được nhiều sản phẩm đa dạng và đặc sắc.
Du lịch biển là thương hiệu của Hải Phòng suốt nhiều năm qua. Cát Bà - đảo Ngọc hay Đồ Sơn không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn được rất nhiều du khách quốc tế biết đến.
Du lịch lễ hội, tâm linh cũng là sự lựa chọn của đông đảo khách du lịch và người dân thành phố cảng, với điểm đến là những ngôi chùa có lịch sử lâu đời như đền Nghè, chùa Dư Hàng được xây từ thời Tiền Lê, khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền Bà Đế, tháp Tường Long có từ thời nhà Lý… Khu du lịch - di tích lịch sử Bạch Đằng Giang ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tìm đến.
Bên cạnh đó, du lịch lễ hội truyền thống Núi Voi, hội thi pháo đất, lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, lễ hội Làng Cá, lễ hội Hoa Phượng đỏ, lễ hội chọi trâu… cũng là những điểm nhấn thu hút du khách khi đến Hải Phòng. Đặc biệt, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ tổ chức thường niên vào dịp 13/5 - Ngày Giải phóng Thành phố Hải Phòng - đã trở thành nét đẹp văn hóa, thương hiệu của Hải Phòng.
Các sản phẩm du lịch du khảo đồng quê, du lịch nội đô cũng được quan tâm, được tổ chức hệ thống và qui mô hơn. Gần đây, sản phẩm du lịch ẩm thực “food tour Hải Phòng” (tour trải nghiệm các món ăn ngon tại Hải Phòng) đã trở thành hiện tượng bùng nổ trên mạng xã hội. Đây là lựa chọn mới của du khách khi nhắc về Hải Phòng, nhất là những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch mới như “city tour Hải Phòng” cũng rất cuốn hút khách ngoại tỉnh. “Chúng em đi tàu hỏa từ Hà Nội đến Hải Phòng, kết hợp city tour và food tour, thế là có một ngày nghỉ cuối tuần rất thú vị”, Thanh Tú, một sinh viên trong nhóm bạn trẻ chọn Hải Phòng làm điểm đến trải nghiệm chia sẻ.
Cùng với food tour, city tour, trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng cũng là một sản phẩm du lịch mới được đưa vào hoạt động. Dự án này được triển khai với 13 trạm tại các vỉa hè quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, tạo điểm nhấn ấn tượng, khuyến khích du lịch xanh...
Tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hải Phòng lần thứ XVI đã xác định nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa…”.
Những năm qua, Hải Phòng cũng đã quan tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Một loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, chuẩn 5 sao như Flamingo Cát Bà, Dream Dragon Resort - Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng, Sheraton, Melia Vinpearl Hai Phong Rivera, Pullman, Hilton… đã được nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn lớn như Vingroup, BRG, Flamingo, Geleximco… đầu tư.
Đây là sự đầu tư chất lượng nhằm nâng tầm du lịch Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Quý I/2023, Hải Phòng đón gần 1,4 triệu lượt khách, tăng 17,86% so với cùng kỳ, trong đó có hơn 226.700 lượt khách quốc tế. Doanh thu ước đạt trên 1.250 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch Hải Phòng cho biết: “Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, Hải Phòng tiếp tục làm mới sản phẩm du lịch, cập nhật xu hướng, thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của du khách. Đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, khác biệt, tạo thành hệ thống sản phẩm đa dạng, bổ trợ nhau để du lịch không còn mang tính mùa vụ”.
Ngành du lịch Hải Phòng đặt mục tiêu tiếp tục khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm, lan tỏa giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố cảng, mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách; khai thác tốt thị trường khách nội địa; khôi phục dần thị trường khách quốc tế truyền thống và một số thị trường khác…, hướng tới phát triển bền vững.