Kinh tế tập thể mà trụ cột là HTX có đã gặt được một số kết quả nhất định kể từ khi thi hành Luật HTX năm 2012, nhưng so với kinh tế tư nhân, đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể vẫn tiếp tục đà giảm sút.
Năm | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 |
Tập thể | 60.781 | 67.813 | 76.000 | 95.504 | 104.937 | 86.000 | 110.679 | 129.821 | 144.296 | 158.964 | 167.913 |
Tư nhân | 77.731 | 95.353 | 120.800 | 165.347 | 189.226 | 148.919 | 204.001 | 258.598 | 278.699 | 306.857 | 330.590 |
Nguồn: Tổng cục Thống kê; đơn vị tính: tỷ đồng
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, muốn nâng cao thu nhập của người dân theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới phải phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể.
Qua 7 năm triển khai Chương trình Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã “thay da đổi thịt”, theo hướng văn minh, hiện đại như có hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, bưu điện… nhưng đời sống vật chất của người dân nông thôn chưa được cải thiện. Theo ông Đông, muốn nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, của người sản xuất nông nghiệp thì phải đạt tiêu chí có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động có hiệu quả. Bởi sản xuất nông nghiệp mà không sản xuất theo tổ chức để có hàng hóa chất lượng tiêu chuẩn tối thiểu là Viet GAP và vươn lên đạt tiêu chuẩn Global GAP thì sản phẩm nông nghiệp không được giá, sản xuất nông nghiệp không bền vững, thiếu ổn định. “Nếu không có tổ chức trong sản xuất thì nông dân đang trồng lúa thấy hàng xóm trồng khoai có hiệu quả hơn lại chuyển lúa trồng khoai, sang năm khoai mất giá lại bỏ khoai trồng dưa thì thu nhập của nông dân khó có thể được cải thiện. Muốn cải thiện thu nhập của nông dân cần phải có bà đỡ chính là HTX”, ông Đông minh chứng.
Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Vẫn theo ông Đông, chưa nói tới việc xuất khẩu nông sản, chỉ nói tới việc giữ được thị trường trong nước, nếu vẫn loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”, sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm chúng ta sẽ bị mất thị trường tiêu thụ 93 triệu dân - thị trường mơ ước của tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Bởi hàng nông sản của các nước được sản xuất theo quy mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, có thương hiệu nên người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là người dân ở đô thị có thu nhập trên mức trung bình sẽ mua nông sản nhập khẩu thay vì mua của người nông dân. Muốn giữ được thị trường tiêu thụ nông sản với 93 triệu dân, sản xuất nông nghiệp phải có tổ chức bài bản, sản xuất quy mô lớn để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Đông cho rằng, muốn giữ được thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu, nông dân phải tập hợp nhau lại theo đúng Luật HTX năm 2012, bởi Luật HTX năm 2012 đã thay đổi nhận thức và tư duy về kinh tế hợp tác. Toàn bộ tư tưởng, tư duy, quan điểm mới về kinh tế hợp tác theo đúng chuẩn mực của HTX trên thế giới đã được đưa vào Luật HTX năm 2012.
“Sau thời gian đầu triển khai Luật HTX năm 2012, phong trào nông dân hợp tác với nhau trong sản xuất đã nhen nhóm ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, phong trào này không đồng đều. Thực tế cho thấy, ở đâu hệ thống chính trị nhận thức đúng về Luật HTX thì nơi đó phong trào hợp tác trong sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngược lại, hệ thống chính trị ít quan tâm, phó mặc cho người dân thì phong trào không phát triển hoặc phát triển tự phát, hoạt động không theo đúng nguyên tắc của kinh tế tập thể”, ông Đông nhấn mạnh.
“Nguyên nhân chính của tình trạng HTX nhiều nơi chưa phát triển là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị chưa đủ để xóa tan tất cả hoài nghi về hiệu quả của kinh tế tập thể, chưa đủ để xóa đi tâm lý nặng nề, không mấy thiện cảm về HTX kiểu cũ vẫn còn đè nặng lên tâm lý xã hội”, ông Đông phân tích.
TS. Phùng Quốc Chí, Phó vụ trưởng Vụ HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tìm ra được nguyên nhân này, nên ngay khi Luật HTX năm 2012 được thông qua, Vụ HTX và Liên minh HTX Việt Nam đã bắt đầu công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về mô hình tổ chức, hoạt động của HTX kiểu mới, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ việc mở các lớp tập huấn cho lãnh đạo địa phương và lãnh đạo liên minh HTX địa phương. Cách thức tuyên truyền này dường như là chỉ nâng cao nhận thức cho “quan trí”. Với cách thức tuyên truyền, phổ biến này, có thể nói vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mục tiêu đặt ra và thực tế phát triển kinh tế tập thể trong thời gian vừa qua. Tổng kết lại công tác tuyên truyền, tôi cho rằng, đã đến lúc phải nâng cao dân trí nhận thức về kinh tế tập thể chứ không phải nâng cao “quan trí” nữa.
Chị Hà, xã viên HTX Thành An (Quỳnh Liên, Nghệ An) chia sẻ về lợi ích khi tham gia vào HTX.
Ông Vũ Xuân Thanh - Chủ nhiệm HTX Thành An (Quỳnh Liên, Nghệ An) chia sẻ.
Nguyên lý của Luật HTX năm 2012 là người dân tự nguyện tham gia khi thấy có lợi ích, dứt khoát không thành lập HTX toàn xã, mô hình kinh tế tập thể được thành lập theo mệnh lệnh hành chính, thành lập theo kiểu phong trào. “Vì vậy, để người dân tự nguyện tham gia không còn cách nào khác là nâng cao nhận thức của từng người dân bằng thực tiễn chứ không xuất phát từ lý thuyết, không thể đi tuyên truyền về mô hình kinh tế hợp tác theo kiểu rao giảng”, ông Chí nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết đã chỉ đạo Vụ HTX khi đi đào tạo, tập huấn phải sử dụng những ngôn ngữ rất bình dân, nôm na, đời thường, ngôn từ của cuộc sống phải phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán vùng miền chứ không được sử dụng ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ luật pháp khô khan.
Trên thực tế, sau 3,5 năm triển khai Luật HTX năm 2012 hiện vẫn còn rất nhiều người dân chưa hiểu về mô hình hợp tác, thậm chí hiểu sai một phần là do thiếu thuyết trình viên thực sự. Khi đi tuyên truyền, phổ biến, tuyên truyền viên có kiến thức kinh tế, hiểu biết pháp luật chỉ là một phần, cái quan trọng hơn là năng lực truyền đạt để người nghe hiểu, chia sẻ và thực hiện.
Thực tế cho thấy, có không ít người rất giỏi về lý thuyết kinh tế, am tường luật pháp và các văn bản hướng dẫn nhưng đi tuyên truyền không “lọt tai” người nghe vì họ không đi từ thực tế cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng nên không có những ngôn từ đời thường, ngôn từ của cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
“Tôi cho rằng, để Luật HTX năm 2012 thực sự đi vào cuộc sống cách thức tuyên truyền, phổ biến không nên sử dụng ngôn ngữ khô khan, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ văn bản vì phần đông người dân không thể tiếp cận nổi với những ngôn ngữ này trong khi họ rất hào hứng đọc, nghe, xem các câu chuyện thực tế được truyền tải bằng ngôn ngữ bình dân, đời thường, dung dị, không đao to búa lớn”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá.