Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái về kết quả công tác năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, ngày 4/3.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Năm 2023, TP Móng Cái đã hoàn thành 15/16 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao như: Móng cái là địa phương đi đầu trong tỉnh có tỷ lệ bao trùm quy hoạch phân khu lớn nhất thuộc Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, với 4/9 quy hoạch phân khu chức năng (A1, A2, C1.1, A4.2) được UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thành quy hoạch chung xây dựng 5 xã làm cơ sở quan trọng để quản lý đất đai, xây dựng và thu hút đầu tư; khách du lịch đến thành phố ước đạt trên 2,5 triệu lượt, tăng 130% so với năm 2022, tăng trên 90% so kế hoạch tỉnh giao; thu hút 1 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Hải Yên với vốn đầu tư 12 triệu USD.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, báo cáo tại hội nghị. |
Tổng thu NSNN đạt 4.880 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2022, đạt cao nhất từ trước đến nay, trong đó thu nội địa đạt 2.285 tỷ đồng, tăng 45,6% dự toán tỉnh giao, tăng 31,5% so dự toán của thành phố và tăng 83,8% so với năm 2022.
Khách du lịch năm 2023 đến thành phố đạt 2,5 triệu lượt người, tăng 130% so với cùng kỳ, tăng trên 90% so với kế hoạch tỉnh giao.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, du lịch Móng Cái có khởi sắc khi đạt trên 310.000 lượt người, tăng trên 330% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 đạt trên 520 tỷ đồng.
Cửa khẩu Bắc Luân 2 (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của các nhà đầu tư FDI tại Quảng Ninh. Ảnh: Quỳnh Nga. |
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại được duy trì đảm bảo. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả - là điểm sáng “hình mẫu” trong quan hệ hợp tác khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân theo các tiêu chí “hạnh phúc” được nâng cao. Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 57 hộ (chiếm 0,19%). Niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên.
Tại hội nghị, các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề TP Móng Cái cần quan tâm nhiều hơn. Ngoài việc thu hút đầu tư còn yếu so với lợi thế; chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch chưa đạt, thì có 3 vấn đề lớn nhất hiện nay của TP Móng Cái chưa thực hiện được. Đó là chưa thể hiện được rõ vai trò hạt nhân để KKT Cửa khẩu Móng Cái trở thành mũi đột phá ở tuyến phía Đông của tỉnh; KKT Cửa khẩu Móng Cái chưa thực sự là một trong ba vùng động lực theo mô hình tổ chức không gian phát triển của tỉnh; chưa thực hiện được mục tiêu tăng thu nhập của người dân thành phố, nhất là ở các xã nông thôn, miền núi, ven biển, cũng như thực hiện nâng cao chất lượng tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh đến mục tiêu TP Móng Cái cần tập trung thực hiện là phát triển KKT cửa khẩu Móng Cái thành KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, thành trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ là Khu du lịch biển đảo chất lượng cao, gắn với các sản phẩm du lịch thương mại, cửa khẩu biên giới. Tập trung thu hút các dự án phát triển sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, phát triển hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, logistics trên địa bàn. Đến hết năm 2025, TP Móng Cái phải đạt mục tiêu thu nhập của người dân thuộc các xã phải trên 100 triệu đồng/người/năm; hoàn thành mục tiêu người dân được sử dụng nước sạch qua công trình cấp nước tập trung.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TP Móng Cái đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng chính quyền thành phố và cấp xã thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân sách, quy hoạch đất đai, xây dựng, đầu tư, an ninh trật tự.
TP. Móng Cái - hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - có lợi thế ven biên, ven biển với các cửa khẩu, lối mở song phương. |
Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thành phố phải xác định cơ cấu kinh tế một cách khoa học, khách quan hơn, đúng với sự vận động thực tiễn của thành phố gắn với KKT cửa khẩu Móng Cái. Trong đó, cần xác định lại tỷ trọng dịch vụ thương mại để tập trung mũi nhọn vào thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giữ chân, phát triển doanh nghiệp. Cùng với Hạ Long, Vân Đồn, TP Móng Cái phải là trọng điểm phát triển sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao; sớm đưa Bến 1 Cảng Vạn Ninh vào khai thác trong năm 2024.
Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, TP Móng Cái cần quan tâm hơn nữa tới nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội, con người hài hòa với phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tập trung chỉnh trang, xây dựng đô thị văn minh, giàu bản sắc văn hóa; đặc biệt lưu ý nâng cao chất lượng người dân đô thị gắn với hạ tầng đô thị; quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công theo tiêu chí tính điểm.
Thực hiện mục tiêu kết hợp chặt chẽ hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng khu vực biên giới trên địa bàn thành phố giàu mạnh, văn minh, hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Trọng tâm là triển khai hiệu quả biên bản hội đàm Gặp gỡ mùa xuân năm 2024 và các văn kiện hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) đến Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Cùng đó, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn; quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm, gian lận thương mại; xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh an toàn, văn minh.