Chuyển đổi số - Kinh tế số
Phát triển smart city tại Việt Nam: Cần sự chú trọng của chính quyền
Nguyễn Ngân - 22/11/2022 23:02
Cốt lõi bài toán làm thế nào để xây dựng smart city nằm ở nhận thức, sự cương quyết và cách làm của chính quyền từng địa phương.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức ngày 22/11 tại TP.HCM.

Cụ thể, theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, nhận thức của người dân để đồng hành trong câu chuyện xây dựng, phát triển đô thị thông minh là cần thiết. Tuy nhiên, thông thường chính quyền phải là bên nhận thức trước, coi trọng các ý kiến, đóng góp của người dân để đưa ra các giải pháp phù hợp với trình độ, khả năng giải quyết các nhu cầu đó. 

Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Từng cộng tác, làm việc góp phần xây dựng smart city tại Huế, ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel chia sẻ kinh nghiệm: “Sau khi đưa ra giải pháp thì chính quyền Huế chọn một mẫu người dân để tương tác trước và những người này có trải nghiệm rất tốt thì người ta sẽ về truyền miệng, nói cho những người dân khác về việc smart city đem đến tiện ích thế nào cho cuộc sống”.

Ví dụ khi một người dân phản ánh ở một con đường đang có rác rất bẩn và thông tin này được chuyển qua hệ thống trung tâm điều hành về smart city của Huế thì chính quyền lập tức phản ứng ngay và cho người đến dọn rác. Chỉ cần có một người dân phản ánh và vấn đề  được xử lý ngay một cách rất thông minh thì ngày mai sẽ có cả hàng ngàn người dân sẽ thực hiện, tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Báo cáo tại hội thảo, NIC cho biết hiện vẫn còn thiếu các chuẩn mực và quy định nhân khóa về một thành phố thông minh giữa các thành phố, giữa các cơ quan, ban ngành; chưa có hướng dẫn và chiến lược rõ ràng để thực hiện giải pháp thành phố thông minh ở Việt Nam.

 “Việc thực hiện các thủ tục xin ban hành, xin giấy phép cũng tốn rất nhiều thời gian. Thành ra là khi xin phép vẫn chưa được hoặc xin giấy phép xong thì chúng ta cũng đã trễ so với cái cái tốc độ phát triển của các quốc gia trên thế giới”, đại diện NIC nói.

Các chuyên gia đề xuất, để có thể thực hiện tốt tiến trình xây dựng thành phố, đô thị thông minh, cần có sự quyết tâm, đồng hành và giám sát chặt chẽ từ lãnh đạo, chính quyền địa phương. Việc phát triển đô thị thông minh cũng cần phải dựa trên nhu cầu và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, các giải pháp cho đô thị thông minh không nhất thiết phải rất nhiều tiền mà vấn đề là chọn ưu tiên và cách làm phù hợp

Tin liên quan
Tin khác