Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp du lịch tại chương trình khảo sát và Tọa đàm Nâng cao chất lượng dịch vụ và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản – di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên, do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì tổ chức, ngày 26/12/2023.
Tọa đàm Nâng cao chất lượng dịch vụ và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản – di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên, do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì tổ chức, ngày 26/12/2023. |
Tại Tọa đàm, ông Phan Huy Cường, Trưởng Phòng Quy hoạch, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đã đón 4 triệu lượt khách quốc tế (có 2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022 (tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019) và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022 (tăng 5% so với kế hoạch, tương đương 91% kết quả năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87.650 tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019).
Xác định, du lịch Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, ngành du lịch đặt ra chương trình hành động quyết liệt hơn. Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023.
Đoàn đại biểu khảo sát điểm du lịch Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, huyện Thường Tín. |
Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm % so năm 2023.
Cũng theo ông Cường, để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang và sẽ ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa, đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng thời, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín – Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì…
Khảo sát tại làng Phú Am, huyện Thường Tín. |
Sau chuyến khảo sát tuyến du lịch Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long tại 3 huyện Thanh Trì - Thường Tín – Phú Xuyên, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, tuyến du lịch này được Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát nhằm làm cơ sở, tiền đề để từ đây các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác kết nối 3 địa phương, trên cơ sở kết nối các điểm du lịch, điểm tham quan, điểm cung cấp dịch vụ du lịch, tuyến đường vận chuyển du khách.
Tuyến du lịch Thanh Trì – Thường tín – Phú Xuyên kết nối dựa trên trục giao thông quốc lộ 1A, với 3 điểm chủ đạo là làng Ngâu, làng Phúc Am và làng Cựu. Việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.
“Điều này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh du lịch cả 3 địa phương có liên kết mà còn là cơ sở để các địa phương đề xuất, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa; kích thích phát triển các dịch vụ phục vụ du khách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch mới ra đời. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hạ tầng chung và hạ tầng du lịch của địa phương. Tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân và địa phương. Thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa các địa phương và các địa phương trong tuyến du lịch với khu vực khác. Thúc đẩy bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của các địa phương. Đặc biệt là phân phối khách ở điểm đông khách du lịch sang các điểm có ít du khách”, ông Thắng phân tích.
Qua khảo sát, ông Phùng Quang Thắng nhận định, mặc dù lợi ích của việc xây dựng tuyến du lịch rất lớn, nhưng các điểm du lịch còn rời rạc, chưa liên kết với nhau, chưa tạo được mạng lưới mang tính hệ thống du lịch. Giao thông kết nối các điểm tham quan với nhau chưa thực sự thuận lợi. Các địa phương chưa xác định được đối tượng khách phù hợp, chưa có quy hoạch sản phẩm, chưa có chiến lược rõ ràng.
Khảo sát làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên. |
Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch còn thiếu, hướng dẫn viên chưa đáp ứng được nhu cầu, có điểm thì chưa có hướng dẫn viên. Chưa tạo được nhiều trải nghiệm cho du khách và chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hoá độc đáo của địa phương để thu hút du khách. Thương hiệu du lịch còn mờ nhạt của từng địa phương và của khu vực 3 huyện. Xúc tiến còn hạn chế, mới chỉ xúc tiến theo hướng đi giới thiệu và trưng bày sản phẩm, chưa có hoạt động xúc tiến du lịch chuyên nghiệp. Và lượng khách còn rất nhỏ giọt so với tiềm năng, lợi thế.
“Hiến kế” để tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” hấp dẫn du khách, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc VP Travel mong muốn các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, có đầu mối để doanh nghiệp liên hệ xin thông tin khi cần thiết và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi khảo sát. Ngoài ra, các địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm.
Cũng tại tọa đàm, Trần Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng mong muốn 3 huyện cung cấp cho các doanh nghiệp sơ đồ tổng thể các làng nghề trên địa bàn huyện để doanh nghiệp khảo sát kỹ hơn, phục vụ thiết kế sản phẩm, tour du lịch. Bên cạnh đó, nếu các điểm du lịch không bán vé tham quan thì cần phải có cách thức bán được sản phẩm, đặc sản, quà lưu niệm của địa phương để người dân có thu nhập từ hoạt động du lịch. Như vậy mới có thể phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại chùa Ngâu, huyện Thanh Trì. |
Riêng điểm Làng Cựu, bà Thanh cho rằng trước mắt nên thu hút khách nội địa, nhất là giới trẻ đến chụp ảnh cưới, học sinh đến tham quan.
Góp ý cho các địa phương, bà Bùi Thị Nhàn, CEO Ecohost cho rằng 3 huyện cần có Quy hoạch sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình tour 1 ngày sẽ có thể hút du khách từ trung tâm Hà Nội. Các huyện cần chọn phân khúc khách hàng để xây dựng sản phẩm phù hợp.
Đồng tình với nhận định của các doanh nghiệp, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mai Việt Travel cho rằng, tuyến du lịch “Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long” là khả thi để thu hút khách inbound, đặc biệt là khách châu Âu. Đơn cử, làng Ngâu có chùa Ngâu với gian thờ mẫu rất đẹp, lạ, độc đáo, khác biệt. Tuy nhiên, phần giới thiệu cần kỹ lưỡng, kể câu chuyện hấp dẫn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP rượu hoa cúc tiến vua cũng cần được kể với một câu chuyện hấp dẫn.