Theo đó, đồ án quy hoạch có địa điểm và phạm vi tại xã Hải Trường, xã Hải Lâm và thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Theo quyết định này, phạm vi ranh giới đồ án quy hoạch phù hợp với quyết định chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 23/3/2021 và quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Quảng Trị của UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ban hành vào ngày 30/12/2021.
Ranh giới của Khu công nghiệp Quảng Trị được xác định: Phía Tây Bắc giáp khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp – đô thị Việt Nam – Singapore (Vsip 8) và đất trồng cây lâu năm xã Hải Lâm. Phía Tây Nam giáp đất trồng cây lâu năm xã Hải Trường và thị trấn Diên Sanh. Phía Đông Bắc giáp đất hành lang bảo vệ kết cấu đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 1A. Phía Đông Nam giáp khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp – đô thị Việt Nam – Singapore (Vsip 8) và đất trồng cây lâu năm xã Hải Trường.
Khu công nghiệp Quảng Trị có tổng diện tích 481,2 ha (Ảnh minh hoạ) |
Ngoài ra, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp Quảng Trị không bao gồm phần quy hoạch đất giao thông Quốc lộ 15D và đất quy hoạch khoảng lùi Quốc Lộ 1A với diện tích 15,8ha theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu Công nghiệp Quảng Trị, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được UBND huyện Hải Lăng phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 30/12/2021.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, Khu công nghiệp Quảng Trị có quy mô diện tích khoảng 481,2 ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 17.500 – 24.500 người.
Khu công nghiệp Quảng Trị có tính chất là khu công nghiệp hỗn hợp đa ngành, xanh, sạch; thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Là khu công nghiệp đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất của các nhà đầu tư; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Mục tiêu của Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ là hình thành Khu công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hạ tầng của nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Quảng Trị.
Tổ chức, bố trí đầy đủ, hợp lý các khu chức năng của khu công nghiệp; tổ chức không gian đất công nghiệp trên nguyên tắc hiệu quả cao, phát huy tối đa quỹ đất, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư; tổ chức mạng lưới đường giao thông đảm bảo kết nối thông suốt, an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.
Bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu công nghiệp, đảm bảo tối đa hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng. Quy hoạch khu công nghiệp trên cơ sở phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Về quy hoạch mặt bằng sử dụng đất, Khu công nghiệp Quảng Trị có tổng diện tích đất công trình hành chính, dịch vụ là 4,08 ha, chiếm tỷ lệ 0,85% diện tích khu đất quy hoạch khu công nghiệp. Đất công trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng là 349,71 ha, chiếm tỷ lệ 72,67% diện tích khu đất quy hoạch khu công nghiệp. Đất cây xanh, mặt nước có diện tích 57,47 ha; đất công trình hạ tầng kỹ thuật có diện tích 7,51 ha; và đất hệ thống giao thông có diện tích 56,59 ha.
Ngoài ra, Khu công nghiệp còn có 3,46 ha đất là hiện trạng đường điện 110KV và hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện; cùng 2,38 ha là phạm vi nút giao QL15D và QL1A.
Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị cho biết:" Việc thông qua Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc của các nhà đầu tư thứ cấp sau khi đầu tư vào khu công nghiệp".
Được biết, cơ quan tổ chức lập quy hoạch Khu công nghiệp Quảng Trị là Công ty TNHH Liên doanh Phát triển Quảng Trị. Đây là doanh nghiệp dự án do 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác gồm Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JV); CTCP đô thị Amata Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản) lập ra. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Công ty cổ phần công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 23/3/2021 với tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 97,4 ha - tổng vốn đầu tư 504,39 tỷ đồng.