Sang phiên chiều, thị trường tiếp tục giao dịch sôi động với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, tạo động lực cho thị trường tiếp tục bứt phá. VN-Index nhanh chóng leo qua đỉnh núi 760 điểm, tạo đỉnh mới trong 9 năm qua.
Tuy nhiên, đà tăng không có tính lan tỏa, sức bật chính của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu lớn, trong khi nhóm vừa và nhỏ vẫn khá phân hóa. Chính vì vậy, sau khoảng 40 phút leo dốc, thị trường dần đuối sức do áp lực bán gia tăng. Độ rộng thị trường dần thu hẹp và VN-Index đã không giữ được ngưỡng kháng cự trên.
Nhưng bất ngờ đã xẩy ra trong đợt khớp ATC. Lực cầu gia tăng về cuối phiên một lần nữa kéo VN-Index vượt mốc 760 điểm, chính thức tạo đỉnh mới trong vòng 9 năm qua.
Đóng cửa, VN-Index tăng 3,88 điểm (+0,51%) lên 760,77 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 206,34 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.305 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 34,47 triệu đơn vị, giá trị 842,93 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechip là tâm điểm hút dòng tiền với giá trị giao dịch của nhóm VN30 đạt 1.594,51 tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE.
Diễn biến VN-Index phiên 14/6 |
Trong đó, dòng bank vẫn giao dịch sôi động, tiếp tục đóng vai trò là điểm tựa chính của thị trường. Các cổ phiếu trong nhóm này đều tăng điểm và có khối lượng khớp vài triệu đơn vị; đáng kể BID tăng 2,56% và khớp 7,44 triệu đơn vị.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu vua, cặp đôi lớn VNM và GAS cũng hỗ trợ tốt cho thị trường khi nới rộng đà tăng mạnh trong phiên chiều. Cụ thể, GAS tăng 2,31% và khớp 1,09 triệu đơn vị; còn VNM tăng 0,79% và khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức là HAG-HNG bay cao khi chốt phiên ở mức giá trần nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Trong đó, HAG tăng 6,9% lên mức 9.140 đồng/CP với khối lượng khớp 11,2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị; còn HNG tăng 6,88% lên mức 10.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 9,65 triệu đơn vị và dư mua trần 1,25 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu mới, LEC có phiên chào sàn tăng kịch trần, tuy nhiên, giao dịch còn khá hạn chế khi chỉ chuyển nhượng 4.690 đơn vị và dư mua trần 0,37 triệu đơn vị. Trong khi đó, CTF ghi nhận phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp.
Trái lại, ROS không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo trước áp lực bán ồ ạt. Kết phiên, ROS giảm 6,97% với khối lượng khớp 3,12 triệu đơn vị và dư bán sàn 342.490 đơn vị.
Bên cạnh đó, “ông lớn” trong nhóm bất động sản là VIC cũng có diễn biến khá tiêu cực. Mặc dù lực cầu ngoại khá tích cực nhưng áp lực bán trong nước lớn mạnh khiến VIC giảm sâu. Với mức giảm 3,49%, VIC kết phiên tại mức giá 42.500 đồng/CP và khớp 1,84 triệu đơn vị.
Diễn biến trên sàn HNX cũng có phần tương tự sàn HOSE. Cùng với VN-Index tạo đỉnh mới, HNX-Index leo lên mốc 98 điểm sau hơn 40 phút giao dịch của phiên chiều. Tuy nhiên, chỉ số này đã không giữ được đỉnh mới do lực đỡ chưa đủ mạnh.
Kết phiên, HNX-Index tăng 0,58 điểm (+0,59%) lên mức 97,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 50,59 triệu đơn vị, giá trị 562,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,7 triệu đơn vị, giá trị 62,79 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB cùng nới rộng đà tăng. Trong khi SHB vượt qua mốc tham chiếu với mức tăng 1,39% với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu toàn sàn HNX, đạt 9,77 triệu đơn vị; thì ACB tiếp tục nhích bước với mức tăng 0,75% và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản VCG tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về thanh khoản, sau SHB, với khối lượng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 18.900 đồng/CP, tăng 1,61%.
Ngoài ra, cổ phiếu cùng ngành bất động sản là CEO và HUT cũng khởi sắc và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1,4 triệu đơn vị.
Trái với 2 sàn chính, diễn biến trên sàn UPCoM khá ảm đạm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,65%) xuống 56,46 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,41 triệu đơn vị, giá trị 113,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 10,75 triệu đơn vị, giá trị 153,5 tỷ đồng.
DVN vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với 1,36 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Nhờ lực cầu hấp thụ mạnh, DVN tiếp tục leo cao trong phiên chiều, kết thúc chuỗi ngày dài với 6 phiên giảm liên tiếp. Kết phiên, DVN tăng 13,2% lên mức 24.000 đồng/CP.
Ở cặp đôi lớn cổ phiếu ngành hàng không, trong khi HVN không giữ được sắc xanh và quay về mốc tham chiếu thì ACV tăng vọt với biên độ 2,7%, kết phiên ở mức giá cao nhất ngày 50.000 đồng/CP.