Trong phiên giao dịch chiều, lực cầu tỏ ra mạnh dạn hơn, giúp cả 2 chỉ số nới rộng dần đà tăng với sắc xanh lan rộng khắp bảng điện tử. Nếu không có sự níu chân của VNM, SAB, PVD, NVL, FPT, đà tăng của VN-Index còn mạnh hơn nữa.
Chốt phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index tăng 4,09 điểm (+0,53%), lên 776,17 điểm với 176 mã tăng, 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 185,5 triệu đơn vị, giá trị 3.447 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,85 triệu đơn vị, giá trị 667 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 14/8 |
HNX-Index cũng tăng 0,64 điểm (+0,64%), lên 101,5 điểm với 91 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 51,66 triệu đơn vị, giá trị 463,97 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,94 triệu đơn vị, giá trị 26,83 tỷ đồng.
Về các nhóm cổ phiếu, các mã ngân hàng đa số vẫn duy trì đà tăng nhẹ như phiên sáng, ngoại trừ BID leo lên mức cao nhất ngày 20.800 đồng, tăng 2,46%, trong khi EIB quay đầu giảm 2%.
Nhóm dầu khí lại có sự đổi chỗ của GAS và PVD, trong khi GAS trở lại sắc xanh với mức tăng 0,82%, thì PVD quay đầu giảm 0,66%. PLX tăng mạnh 2,33%.
Các mã khác cũng đồng loạt tăng giá, trong đó HPG là mã có thanh khoản tốt nhất trong nhóm bluechip với 6,4 triệu đơn vị được khớp.
Tuy nhiên, như đã đề cập, tâm điểm chính vẫn đến từ các mã có tính thị trường cao. Trong đó, OGC tiếp tục có sức hút lớn khi lượng dư mua giá trần lên tới hơn 10 triệu đơn vị và tổng khớp hơn 12 triệu đơn vị. AMD cũng gia tăng lượng dư mua giá trần trong khi lượng khớp không thay đổi nhiều so với phiên sáng do lực cung ít.
Ở các mã bị bán mạnh, TSC xuất hiện lực cầu bắt đáy lớn, hấp thụ hết lượng dư bán sàn của phiên sáng, có lúc tưởng chừng sẽ kéo mã này trở lại tham chiếu và có phiên đảo chiều ngoạn mục. Tuy nhiên, áp lực chốt lời vẫn diễn ra mạnh, khiến TSC chưa thoát khỏi mức sàn 6.470 đồng khi chốt phiên, nhưng chỉ còn dư bán sàn chưa tới 53.000 đơn vị, trong khi được khớp 12,76 triệu đơn vị, vượt qua OGC trở thành mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.
HAR cũng xuất hiện lực cầu bắt đáy lớn, giúp hấp thụ hết lượng dư bán sàn, thậm chí tích cực hơn TSC, HAR còn đảo chiều tăng giá lên mức trần 14.200 đồng trước khi đóng cửa ở mức 13.450 đồng, tăng 1,12% với 4,24 triệu đơn vị và chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm sàn liên tiếp.
Trong khi đó, HAI vẫn bị bỏ rơi khi không nhận được lực cầu nào đáng kể trong phiên chiều, dù lượng dư bán sàn giảm so với phiên sáng, nhưng chủ yếu là nhà đầu tư hủy lệnh vì biết rằng có treo cũng không bán được hàng, lại tạo cảm giác lo sợ cho bên mua. Như vậy, HAI đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp và so với mức đỉnh của đợt tăng kéo dài vừa qua, HAI đã mất gần 30% giá trị.
Các mã thị trường khác như FIT, HQC, FLC, SCR, ITA… đều có giao dịch tích cực trong phiên hôm nay, ngay cả cặp đôi HAG và HNG cũng đảo chiều tăng giá trở lại.
Trên HNX, VE9 vẫn duy trì được sắc tím sau thông tin chia cổ tức khủng, trong khi 4 mã dẫn đầu về thanh khoản là KLF, SHB, PVX, SHN cũng đều đóng cửa trong sắc xanh. ACB đóng cửa ở mức cao nhất ngày 25.700 đồng, hỗ trợ tích cực cho HNX-Index.
Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn giảm 0,33 điểm (-0,61%), xuống 54,37 điểm với 8,18 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 110,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3 triệu đơn vị, giá trị 66 tỷ đồng.
ART và DGT tiếp tục giữ được mức tăng trần, trong khi SBS, TOP và DVN vẫn là 3 mã có thanh khoản tốt nhất, trong đó SBS và TOP là 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, DVN lại giảm 3,47%, xuống 16.700 đồng.
Chứng khoán phái sinh tiếp tục có sự cải thiện về giao dịch. Trong phiên hôm nay, có 898 hợp đồng được giao dịch, giá trị 67,2 tỷ đồng, tăng 46% cả về khối lượng và giá trị giao dịch so với phiên trước đó.