Đúng như dự đoán của chúng tôi, thị trường bước vào phiên giao dịch chiều đã chịu áp lực bán rất lớn và đánh mất toàn bộ sổ điểm tích lũy được trong phiên sáng sau nửa phiên giao dịch chiều.
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với diễn biến của phiên hôm qua, lực mua lại bất ngờ tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều và tăng mạnh hơn trong đợt khớp lệnh ATC. Vì vậy, rất nhanh chóng, đà tăng của thị trường được kéo trở lại và kết thúc phiên với mức điểm cao nhất trong ngày.
Kết thúc phiên chiều, VN-Index tăng 3,63 điểm (+0,72%), lên 505,67 điểm. Đây cũng là mức cao nhất trong ngày của VN-Index. VN30-Index tăng 5,01 điểm (+0,89%), lên 565,94 điểm. Đây cũng là mức cao nhất trong ngày của VN30-Index. HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,56%), lên 66,86 điểm. HNX30-Index tăng 0,72 điểm (+0,57%), lên 126,39 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 1,52 điểm (+0,31%), lên 497,86 điểm.
Động lực chính giúp cho thị trường tăng tốc trong những phút cuối phiên đến từ các mã bluechip, mà cụ thể là nhóm VN30 khi nhóm này được khối ngoại tích cực mua vào.
Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều trong nhóm cổ phiếu bluechip là MSN (6,6 tỷ đồng), GAS (4,3 tỷ đồng), PVT, VSH, DPM, HSG, PVD…
Trong đó, khối lượng họ mua vào chiếm 81,6% tổng khối lượng khớp của GAS, 72,6% tổng khối lượng khớp của DPM, gần 50% tổng khối lượng khớp của MSN.
Trong số các mã bị khối ngoại bán mạnh, thì HAG vẫn giữ được đà tăng nhẹ 200 đồng, trong khi CTG chỉ giảm nhẹ 100 đồng.
Ngoài trừ các mã bluechip có yếu tố cầu ngoại trên, thị trường còn được hỗ trợ của hơn 100 mã khác khi lực mua tích lũy trở lại của nhà đầu tư sau khi chốt lời giúp các mã này đồng loạt tăng giá, thậm chí có nhiều mã vọt lên mức trần.
Dù nhận định của các công ty chứng khoán cho phiên giao dịch hôm nay khác nhau, nhưng tâm lý tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đã chiến thắng tâm lý lo sợ rủi ro, vì vậy, đa số nhà đầu tư đều nghe theo khuyến nghị mua tích lũy ngắn hạn trở lại các mã đã chốt lời trước đó.
Theo khuyến nghị của CTCK Bảo Việt, nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì tỷ trọng nắm giữ trung hạn ở mức trung bình thấp và từng bước tích lũy trở lại phần danh mục ngắn hạn đã bán chốt lời theo kỳ vọng trước đó.
Nhờ lực mua tích lũy trở lại của nhà đầu tư, các mã đầu cơ bị chốt lời mạnh và có một tuần “thảm hại” vừa qua đã bật dậy mạnh mẽ. VHG, UDC, VNH, PTL, KMR, ICF, VST, LCG… trên HOSE, hay VPC, BHC trên HNX đều tăng mạnh, trong đó có nhiều mã tăng trần với dư mua lớn như VHG, UDC, ICF, VPC.
FLC sau những phút ngậm ngừng của phiên sáng, lực mua đã mạnh dạn hơn trong phiên chiều khi nhận thấy lực bán ra ở mức mệnh giá là không lớn như lo ngại. Chính nhờ “tâm lý mệnh giá” được gỡ bỏ, nên FLC lấy lại đà tăng, chốt phiên ở mức cao nhất ngày 10.300 đồng/cổ phiếu, tăng 400 đồng (+4,04%) với gần 8 triệu đơn vị được khớp.
Hai mã FCN và FCM cũng có mức tăng tốt sau thông tin cùng nhau mua thâu tóm CTCP Khoáng sản Hải Đăng với giá rẻ mạt.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì được phong độ trong phiên chiều với nhiều mã tăng như LCG, TDH, PTL, CTD, HAR, HBC, KBC, DXG, DRH, DIG… trên HOSE hay SCR, HUT, ICG, IDJ… trên HNX
Trên HNX, PVX sau khi bị ETFs xả thẳng tay phiên hôm qua, đã lấy lại được cân bằng với khối lượng khớp 4 triệu đơn vị, đứng ở mức giá trần 2.500 đồng/cổ phiếu.
Các mã cổ phiếu ruồi trên HNX vẫn “sôi sùng sục” như SHN (12 phiên tăng trần), NVC, GGG, PSG, HHL. Trong khi đó, “sóng Sông Đà” không còn ồ ạt xô bờ như phiên đầu tuần, mà chỉ lăn tăn gợn sóng ở một vài mã.
Dù mua vào rất nhiều bluechip như MSN, GAS, DPM, PVD, GMD…, nhưng do họ bán ra khá mạnh HAG và CTG, nên tính chung, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng 1,55 triệu đơn vị trên HOSE, giá trị bán ròng 35 tỷ đồng.
Tổng khối lượng giao dịch trên 2 sàn đạt 116,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.274,44 tỷ đồng. Trong đó, trên HOSE là 73,6 triệu đơn vị, giá trị 929,52 tỷ đồng và trên HNX là 43,1 triệu đơn vị, giá trị 344,92 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận hôm nay ghi nhận những giao dịch của cổ phiếu lớn như 1 triệu cổ phiếu GAS ở giá tham chiếu, trị giá 64,5 tỷ đồng, 1,01 triệu cổ phiếu MBB, giá trị 12,66 tỷ đồng, 0,63 triệu cổ phiếu STB, giá trị gần 10,7 tỷ đồng. Trong khi trên HNX là hơn 2,75 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 18,7 tỷ đồng, gần 1,51 triệu cổ phiếu IDJ, giá trị 6,64 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên sáng, nhờ thông tin xuất nhập khẩu khả quan, cùng với thông tin tích cực từ bên ngoài, thị trường đã hội phục trở lại sau phiên giảm điểm đầu tuần.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11 ước đạt 11,99 tỷ USD, giảm 4,9% và nhập khẩu đạt 10,99 tỷ USD, giảm 12,2% so với kết quả thực hiện trong tháng 10/2013. Như vậy, trong tháng 11, Việt Nam xuất siêu 1 tỷ USD.
Lũy kế, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam ước đạt 120,71 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 119,86 tỷ USD. Như vậy, 11 tháng, Việt Nam xuất siêu 850 triệu USD.
Với thông tin Việt Nam xuất siêu nay, áp lực lên đồng USD sẽ được giảm bớt và nhiều khả năng sẽ không có thêm đợt điều chỉnh tỷ giá trong năm nay như khẳng định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, trong phiên kết thúc rạng sáng nay theo giời Việt Nam, chứng khoán Âu, Mỹ tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ, Đức và cả khu vực đồng euro nói chung. Những tín hiệu này cho thấy, nền kinh tế thế giới đã có bước cải thiện, nhất là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và cả kinh tế Việt Nam nói chung.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,17 điểm (+0,43%), lên 504,21 điểm. VN30-Index tăng 2,75 điểm (+0,49%), lên 563,68 điểm. HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,39%), lên 66,76 điểm. HNX30-Index tăng 0,71 điểm (+0,56%), lên 126,38 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 1,23 điểm (+0,25%), lên 497,57 điểm.
Thanh khoản được duy trì ở mức khá tốt trên cả 2 sàn. Tổng khối lượng giao dịch trên 2 sàn đạt hơn 73 triệu đơn vị, tổng giá trị gần 729 tỷ đồng. Trong đó, trên HOSE là 45,46 triệu đơn vị, giá trị 514,2 tỷ đồng; trên HNX là 27,6 triệu đơn vị, giá trị 214,73 tỷ đồng.
Chứng khoán châu Á hôm nay có sự trái chiều, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc vẫn giảm điểm do dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc được công bố trước đó.
T.Lê (ĐTCK)