Nếu ở phiên giao dịch sáng, nhóm cổ phiếu bluechip là nội lực chính giúp VN-Index có cơ hội giành lại sắc xanh, thì sang phiên giao dịch chiều, các trụ cột chính như GAS, MSN cùng các cổ phiếu bảo hiểm giảm mạnh đã kéo chỉ số này rơi xuống dưới mức 620 điểm, thậm chí xuyên qua ngưỡng 615 điểm sau hơn 30 phút giao dịch của phiên chiều.
Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 97 mã tăng, 116 mã giảm và 73 mã đứng giá, chỉ số VN-Index giảm 3,93 điểm (-0,63%) xuống 616,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 100,72 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.781,58 tỷ đồng, giảm 16,47% về lượng và 15,12% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 83,36 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 21/7 |
Sàn HNX có 79 mã tăng và 103 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 1,01 điểm (-1,18%) xuống 84,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 41,15 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 507,26 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,68 triệu đơn vị, trị giá 14,85 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên 21/7 |
Cùng với sự chi phối mạnh đến biến động của các chỉ số, thanh khoản của các cổ phiếu bluechip cũng chiếm tỷ trọng khá lớn với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 50% tổng giá trị giao dịch trên sàn. Cụ thể, VN30-Index giảm 2,74 điểm (-0,43%) xuống 641,45 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,9 triệu đơn vị, trị giá 917,32 tỷ đồng. Còn HNX30-Index giảm 2,31 điểm (-1,41%) xuống 162,12 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,59 triệu đơn vị, trị giá 262,59 tỷ đồng.
Áp lực bán gia tăng mạnh khiến BVH rớt sàn đã lan rộng xuống các mã khác trong ngành khiến BIC, BMI cũng xanh mắt mèo với lượng dư bán sàn khá lớn. Cụ thể, BVH giảm 6,56% xuống mức sàn 57.000 đồng/CP và dư bán sàn 70.750 đơn vị; BIC giảm 6,94% và dư bán sàn 189.210 đơn vị và BMI giảm 6,69% và dư bán sàn 76.130 đơn vị.
Bên cạnh đó, BVH cũng đã tác động không nhỏ tới diễn biến của các trụ cột khác như MSN giảm tới 4,26% và GAS giảm 1,67% khiến đà giảm VN-Index càng nới rộng hơn.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không giữ được nhiệt khi MBB, BID, CTG lần lượt quay về mốc tham chiếu, còn VCB và EIB cùng giảm 200 đồng. Dòng tiền vẫn chảy khá tích cực đối với các mã này, cụ thể CTG khớp 4,13 triệu đơn vị; MBB khớp hơn 4 triệu đơn vị; BID khớp hơn 2 triệu đơn vị và EIB khớp 1,37 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, bên cạnh SSI và AGR cùng giảm nhẹ dưới tham chiếu 1 bước giá thì kết quả kinh doanh không mấy khả quan của HCM tiếp tục nhấn chìm cổ phiếu này xuống sâu. Chốt phiên HCM giảm tới hơn 6% xuống 35.900 đồng/CP và khớp 3,11 triệu đơn vị, còn SSI vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt của thị trường khi chuyển nhượng thành công 5,37 triệu đơn vị.
Sau 4 phiên liên tiếp tăng trần dù bị hạn chế khi chỉ giao dịch trong phiên chiều, OGC đã giảm sàn. Tuy nhiên, đây vẫn là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 6,35 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa ở mức 2.600 đồng/CP, giảm 3,7%. Tiếp đó, FLC đã khớp 5,57 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu 8.200 đồng/CP.
Cổ phiếu vừa chào sàn trong phiên hôm nay là PSW cũng đã có kết quả không mấy tích cực khi đóng cửa giảm 100 đồng (-0,7%) xuống 13.400 đồng/CP và chỉ khớp 1.800 đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí sau diễn biến lình xình trong phiên sáng đã suy giảm mạnh như PVS giảm 2,97%; PVC giảm 2,13%; PGS giảm 1,39%.
Đồng thời, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau đỏ điểm như BVS giảm 2,65%; KLS giảm 3,23%; SHS giảm 2,44%... cùng ACB giảm mạnh 2,75% khiến HNX-Index nới rộng đà giảm và đánh mất mốc 85 điểm.
SHB vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn với hơn 4,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và đóng cửa ở mức tham chiếu 8.700 đồng/CP.