Sau phiên điều chỉnh khá mạnh hôm qua, thị trường đã nhanh chóng trở lại đường đua trong phiên cuối tuần khi sắc xanh tràn ngập bảng điện tử.
Trong phiên sáng, thị trường có lúc đã gặp khó khăn khi áp lực chốt lời đang mạnh, trong khi bên mua tỏ ra thận trọng. Có thời điểm VN-Index đã xuống dưới tham chiếu, nhưng sau đó lại được kéo lên trên 565 điểm.
Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực ở một số mã lớn đã khiến đà tăng của VN-Index bị chặn lại.
Tưởng chừng áp lực này sẽ gây khó khăn cho thị trường trong phiên giao dịch chiều và khiến thị trường có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp, thì bất ngờ lực mua đã trở lại, giúp VN-Index nhanh chóng xác lập đà tăng và nới rộng dần về cuối phiên.
Dù chưa thể lấy lại được những gì đã mất trong phiên trước và không trở lại được mức điểm cao nhất ngày đầu phiên sáng, nhưng phiên phục hồi cuối tuần cho thấy thị trường đã điều chỉnh xong để trở lại đường đua với đích ngắm phía trước là 580 điểm.
Đóng cửa, với 130 mã tăng và 82 mã giảm, VN-Index tăng 3,29 điểm (+0,58%) lên 566,11 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 4,69 điểm (+0,82%) lên 577,71 điểm với 17 mã tăng và 7 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch đạt 106,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.997 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,28 triệu đơn vị, giá trị 372,57 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của cổ phiếu KSB.
Diễn biến VN-Index phiên 26/2 |
Tương tự, với 122 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,7%) lên 79,06 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,98 điểm (+0,7%) lên 140,5 điểm với 17 mã tăng và 6 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch đạt 40,38 triệu đơn vị, giá trị gần 407 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,75 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index phiên 26/2 |
Phiên hôm nay chứng khiến sự tích cực nhóm cổ phiếu dầu khí với PVD và GAS có mức tăng khá tốt sau khi giảm mạnh phiên trước đó.
Cùng với nhóm dầu khí, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đã trở lại sau khá ấn tượng trong phiên cuối tuần.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, nhóm khoảng sản tạo nhiều chú ý trong phiên hôm nay.
BGM chính thức có phiên tăng trần thứ 11 liên tiếp khi chốt phiên phiên giao dịch này. Như đã nêu trước đó, nguyên nhân có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp này.
Tương tự là KSB. Kết thúc năm 2015, KSB báo lãi ròng 125 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2014 và vượt 23% kế hoạch năm đề ra. Trong 4 năm qua, hoạt động kinh doanh của KSB tăng trưởng ổn định, lợi nhuận ròng luôn ở mức gần trăm tỷ đồng. Kết quả kinh doanh khả quan, nên giá cổ phiếu KSB tăng tốt gần đây và không lạ khi nhà đầu tư tranh thủ chốt lời.
SCIC mới đây đã đăng ký bán toàn bộ hơn 11,71 triệu cổ phiếu KSB, tương đương 50,05% tổng số cổ phiếu KSB đang lưu hành trong thời gian từ 23/2 đến 23/3 qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Kết phiên, KSB tăng 1.900 đồng lên 38.900 đồng/CP và đã có tổng cộng hơn 8,5 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương 36,4% tổng số cổ phiếu KSB đang lưu hành, trong đó có gần 7,9 triệu đơn vị được giao dịch bằng phương thức thỏa thuận, giá trị 296 tỷ đồng. Nhiều khả năng, số cổ phiếu KSB này là do SCIC bán ra.
Ngoài KSB và BGM, nhiều mã khoáng sản trên 2 sàn cũng đã tăng trần trong phiên như LCM, KHB, ALV, KHL, KSK, trong đó KSK khớp 1,14 triệu đơn vị. DHM cũng tăng gần mức trần và khớp 1,28 triệu đơn vị. KSA khớp hơn 2 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng thu hút dòng tiền khá lớn.
Nhiều mã gồm FLC, HAR, VHG, SHI, TSC, HQC, SCR, PVX, HKB, SHN… đều đạt thanh khoản từ 1-5 triệu đơn vị và đa phần giữ sắc xanh. FLC dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 5,6 triệu đơn vị được khớp, còn trên HNX vẫn là SCR với hơn 3,9 triệu đơn vị.
Hai mã HNG và HAG đã “lặng gió” trong phiên này khi cùng giảm 1 - 2 bước giá, khớp lần lượt chỉ 3,7 triệu và 2,9 triệu đơn vị. Trong khi “cặp đôi” SBT - BHS tiếp tục giữ mức thanh khoản cao ổn định khi cùng khớp trên 3 triệu đơn vị.