Diễn biến VN-Index phiên ngày 30/1 |
Sau 5 phiên tăng liên tiếp, áp lực bán chốt lời đã gia tăng ở một số mã lớn rồi lan sang thị trường khiến thị trường quay đầu điều chỉnh, chỉ số VN-Index bị đẩy về dưới mốc tham chiếu và chia tay ngưỡng kháng cự 1.110 điểm.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực là dù chịu sức ép lớn từ cung nội và ngoại khá lớn nhưng lực đỡ từ dòng tiền của nhà đầu tư vẫn rất mạnh. Vì vậy, Vn-Index chỉ quay đầu giảm chưa tới 5 điểm sau khi tăng vọt gần 81 điểm qua 5 phiên giao dịch từ ngày 18-26/1.
Với diễn biến trên cùng bức tranh vĩ mô vẫn rất tích cực và màn công bố kết quả kinh doanh quý IV/2017 khá khả quan, một số công ty chứng khoán cho rằng đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn và chỉ số thị trường sẽ nhanh chóng trở lại con đường vượt qua đỉnh cũ 1.170 điểm (trong phiên 12/3/2007).
Bước vào phiên sáng nay, lực bán vẫn dâng cao khiến sắc đỏ bao trùm, trong đó nhóm cổ phiếu có vốn hóa hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu đã khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, về dưới mốc 1.100 điểm.
Sang phiên chiều, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng đã giúp thị trường bật mạnh trở lại, chỉ số VN-Index tiến sát mốc tham chiếu sau khoảng 45 phút giao dịch.
Mặc dù chưa thể lấy lại sắc xanh ngay lập tức do lực bán vẫn còn khá lớn, nhưng lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, giúp nhiều mã đua nhau tăng trần như SCR, DIG, DXG, CTD, QCG, HAR, VRC, SJS, VPH…, đẩy VN-Index vượt qua mốc tham chiếu trong đợt khớp lệnh ATC.
Chốt phiên, sàn HOSE khá cân bằng với 153 mã tăng và 148 mã giảm, chỉ số Vn-Index tăng 0,76 điểm (+0,07%) lên 1.110,56 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 335 triệu đơn vị, giá trị 9.327,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,92 triệu đơn vị, giá trị 1.268,12 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá phân hóa. Trong khi VCB, MBB, CTG, HDB điều chỉnh nhẹ thì BID vẫn tăng khá mạnh 4% lên mức 36.000 đồng/CP, VPB tăng 1,5% lên mức 52.900 đồng/CP, STB tăng 2,1% lên mức 17.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu toàn sàn đạt hơn 30 triệu đơn vị và đây cũng là mã nằm trong top 3 được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.
Trong top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, ngoài VRE và SAB vẫn duy trì đà tăng nhẹ, một số mã khác cũng đã đảo chiều hồi phục như GAS tăng 0,52% lên mức 116.500 đồng/CP, BVH tăng 5,54% lên mức 85.700 đồng/CP, VJC tăng 2,9% lên mức cao nhất ngày 195.000 đồng/CP, MWG tăng 1,7% lên mức 125.900 đồng/CP.
Cổ phiếu FPT sau thông tin lãi lớn với lợi nhuận trước thuế đạt 4.249 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước, đã không còn diễn biến lình xình quanh mốc tham chiếu, mà bật mạnh với mức tăng 6,14% lên sát mức giá trần 64.000 đồng/CP cùng giao dịch sôi động đạt 4,72 triệu đơn vị.
Như đã nói ở trên, tâm điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch chiều là nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Lực cầu gia tăng mạnh đã giúp các mã trong nhóm cổ phiếu này đua nhau khởi sắc và nhiều mã tăng trần.
Điển hình nằm trong nhóm VN30, cổ phiếu CTD đã có màn đảo chiều ngoạn mục trong 30 phút cuối của phiên giao dịch sau khoảng thời gian dài giao dịch dưới mốc tham chiếu. Cổ phiếu CTD đã tăng hết biên độ 7% lên thẳng mức giá trần 205.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 649.490 đơn vị.
Dòng tiền cũng chảy mạnh giúp nhiều mã vừa và nhỏ trong nhóm tăng trần với giao dịch tích cực như SCR, DIG, DXG, HAR, SJS…, trong đó SCR có khối lượng khớp chỉ đứng sau STB với 14,17 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã khác cũng khởi sắc như FLC, HQC, KBC, HBC…
Tương tự, trên sàn HNX, các cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau dậy song đã giúp thị trường đảo chiều thanh công và kết phiên trong sắc xanh hy vọng.
Đóng cửa, HNX-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%) lên mức 127,36 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 76,63 triệu đơn vị, giá trị 1.334,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 31,36 tỷ đồng.
Góp phần tô điểm thêm sắc đẹp cho nhóm cổ phiếu bất động sản, CEO cũng có màn tăng khá ngoạn mục về cuối phiên, với mức tăng 9,7% lên mức trần 11.300 đồng/CP và khớp 1,67 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác trong nhóm bất động sản, xây dựng cũng khởi sắc như VCG tăng hơn 9% lên sát mức giá trần 26.600 đồng/CP, VGC tăng 1,9% lên mức 26.300 đồng/CP, TV2 tăng 1,7% lên mức 166.500 đồng/CP, HUT tăng 3,7% lên mức 11.100 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi ACB vẫn giảm 1% xuống mức 41.600 đồng/CP và khớp 3,93 triệu đơn vị, thì SHB lại đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng khá tốt 2,3% lên mức 13.600 đồng/CP và khớp 22,27 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn chính, chỉ số trên sàn duy trì trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,2%) xuống mức 58,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,35 triệu đơn vị, giá trị 209,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 912.741 đơn vị, giá trị 16,34 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 1,1%, kết phiên tại mức giá 17.700 đồng/Cp với khối lượng giao dịch hơn 3,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.
Các mã khác có thanh khoản khá tốt là HVN với 2,2 triệu đơn vị, SBS với 2,15 triệu đơn vị và DVN với 1,17 triệu đơn vị. Kết phiên, SBS đứng ở mốc tham chiếu 3.500 đồng/CP, còn 2 mã lớn còn lại là HVN và DVN lần lượt giảm 4,38% và 2,61%, xuống mức giá 59.000 đồng/CP và 26.100 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như VGT, QNS, VIB, SAS, LTG… gia tăng thêm gánh nặng khiến thị trường chưa thể hồi phục.