Theo CTCK ACB, trong tuần trước, dòng tiền margin tiếp tục đổ mạnh vào 2 sàn, phần lớn vào các mã penny. Như vậy, đà tăng của thị trường hiện vẫn đang cho thấy tính đầu cơ cao.
Đúng như nhận định của một số công ty chứng khoán, thị trường vẫn đang có tính đầu cơ cao. Dòng tiền đầu cơ không rút ra khỏi thị trường, mà chỉ chuyển từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm khác và cùng lắm chỉ tạm nghỉ ngơi.
Sau mấy ngày nghỉ ngơi, dòng tiền đầu cơ đã tăng mạnh trở lại trong phiên hôm nay, giúp thanh khoản trên HOSE lần đầu tiên sau 7 phiên vượt qua mức 100 triệu đơn vị.
Trong phiên chiều, diễn biến vẫn không có nhiều thay đổi so với phiên sáng khi bên nắm giữ tiền mặt quyết đua bằng được các cổ phiếu đang tăng nhằm kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận mạnh như đợt sóng vừa qua, trong khi bên bán cũng tận dụng cơ hội hiếm có để “nhả” thật lực ở mức giá cao.
Kết thúc phiên giao dịch 3/12, VN-Index tăng 3,09 điểm (+0,61%), lên 511,62 điểm. VN30-Index tăng 2,84 điểm (+0,5%), lên 571,71 điểm. HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,78%), lên 65,64 điểm. HNX30-Index tăng 1,07 điểm (+0,87%), lên 123,97 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 6,29 điểm (+1,27%), lên 501,40 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 125,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.766,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận khá thấp, chỉ 3,6 triệu đơn vị, trị giá 125 tỷ đồng. Trên HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt 43,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 334,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận là 1,6 triệu đơn vị, trị giá 12 tỷ đồng.
Với phiên tăng điểm nay, VN-Index đã chính thức vượt qua được vùng cản mạnh 510 điểm. Nếu vượt qua mức kháng cự 513 điểm, theo các công ty chứng khoán, nhiều khả năng VN-Index sẽ hướng đến mốc 530 điểm vào cuối năm.
Nhìn trên đồ thị kỹ thuật, đường MACD đã có xu hướng đi lên sau mấy ngày đi ngang, cho thấy tín hiệu khá lạc quan về xu hướng của thị trường. Trong khi đó, đường RSI cũng đã vượt qua mức 70 điểm cho thấy tâm lý của thị trường đang quá phấn trấn.
Theo nhận định của CTCK Bản Việt, thị trường sẽ tích lũy trong ngắn hạn trước khi bước vào xu hướng tăng mới về các vùng mục tiêu trung hạn là 530 điểm của chỉ số VN-Index và 68 điểm của chỉ số HNX-Index.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đầu tháng 11, ông Nguyễn Hoài Nam, chuyên viên Phòng Nghiên cứu Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cũng đã đưa ra dự đoán, VN-Index có thể đạt 520 - 550 điểm vào thời điểm cuối năm.
Với những dự báo tích cực trên, cùng với việc các công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng, nên không có gì khó hiểu khi nhà đầu tư nhỏ lẻ tranh mua, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đầu cơ thực hiện mục đích đẩy giá của mình.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến phiên giao dịch hôm nay, thì hành động tranh mua của nhà đầu tư nhỏ, lẻ có vẻ khá nguy hiểm.
Ở một số mã đầu cơ tăng mạnh, trong khi “tay” mua vào chủ yếu treo ở các mức giá thấp, buộc nhà đầu tư mua đuổi giá phải đặt cao hơn nếu muốn có được hàng. Khi nhiều nhà đầu tư tranh mua, đẩy mức giá mua lên cao, thì bên nắm giữ cổ phiếu nhanh chóng đẩy mạnh hàng ra ở mức giá trần.
Nhiều mã có mức tăng trần trong phiên hôm nay như PVT, DCT, ALP, KMR, PXL, PXI, VIP, VTO… trên HOSE, hay PV2, PVX, NSN, GGG trên HNX không mấy chắc chắn khi có lượng dư mua không nhiều, thậm chí có nhiều mã còn dư lệnh bán trần.
Với diễn biến này, nhiều khả năng đà tăng của nhiều mã khó bền, không đủ T+3 để nhà đầu tư mua đuổi giá hôm nay kịp thoát hàng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư mua đuổi giá trong phiên hôm nay chưa kịp hả hê, có thể đã phải lo bị kẹt hàng. Đặc biệt, nhiều mã có lượng khớp lớn như PVT với 7,6 triệu cổ phiếu được khớp, FLC gần 7 triệu đơn vị.
Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong đợt khớp lệnh ATC xác định giá đóng cửa, lệnh bán đã mạnh lên khá nhiều, khiến thị trường bị hãm đà tăng.
Trong nhóm bluechip, ngoài REE vẫn giữ được phong độ tốt, các mã khác chỉ duy trì được mức tăng nhẹ.
Trước đó, trong phiên sáng, sau những phút đầu thăm dò trong phiên sáng, những “tay chơi” đã chính thức nhập cuộc với các lệnh đặt mua dồn dập được tung vào thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư cuống cuồng đua theo và đặt giá cao để theo kịp sóng.
Diễn biến của thị trường những phút sau đó của phiên sáng diễn ra rất sôi động, nhiều mã được đẩy từ mức sàn lên trần, thanh khoản tăng vọt và lan tỏa sang cả nhóm bluechip.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 3,81 điểm (+0,75%), lên 512,34 điểm. VN30-Index tăng 4,42 điểm (+0,78%), lên 573,29 điểm. HNX-Index tăng 0,34 điểm (+0,52%), lên 65,47 điểm. HNX30-Index tăng 1,51 điểm (+1,23%), lên 124,41 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 3,90 điểm (+0,79%) lên 499,01 điểm.
Hôm nay, thị trường cũng đón nhận các thông tin vĩ mô khá tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 11 dù giảm so với tháng 10 do nhu cầu của thị trường nước ngoài yếu, nhưng vẫn đứng trên mức 50 điểm, cho thây nền sản xuất của Việt Nam vẫn có tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số PMI vừa được HSBC công bố giảm từ mức 51,5 điểm (tháng 10) xuống còn 50,3 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PMI Việt Nam trên mức 50 điểm. Chỉ số này có thể sẽ cải thiện trong tháng cuối cùng của năm nếu nhu cầu của nước ngoài tăng lên.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam đánh giá cao những chính sách và thành quả mà Chính phủ Việt Nam thực hiện và đạt được trong năm 2013. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn có cái nhìn thận trọng khi đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 2 năm tới. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 năm tới được WB dự báo chỉ xung quanh mức 5,5%.
Phiên họp thường kỳ tháng 11/2013 ngày 2/12 của Chính phủ đánh giá kinh tế 11 tháng đã có chuyển biến tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ đã nâng chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 5,6%. Đà tăng trưởng này vẫn phần lớn dựa vào sức bật của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 7,1%, đóng góp 5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành đã tăng 10,4% so với cùng kỳ. Trong khi chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-11 chỉ tăng 9,4%.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục xả mạnh HAG khi họ bán ròng mã này tới 1,9 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 40,17 tỷ đồng, khiến tính chung họ bán ròng 1,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán ròng 21,42 tỷ đồng trên HOSE. Trong khi đó, trên HNX, họ vẫn mua ròng gần 400.000 đơn vị, trị giá mua ròng hơn 2,4 tỷ đồng.
TIX: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2013 và tạm ứng cổ tức đợt 2/2013 (10%)
IJC: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản phát hành trái phiếu riêng lẻ
HU3: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản và nhận cổ tức năm 2012 (16%)
VCF: Ngày GDKHQ lấy ý kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2013 và tạm ứng cổ tức năm 2013 (8%)
PFV: Ngày GDKHQ hoán đổi cổ phiếu PFV thành cổ phiếu VIC tỷ lệ 2:1
CLG: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản
T.Lê (ĐTCK)