Ngân hàng - Bảo hiểm
Phó Thống đốc: Sẽ có gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp hàng không
T.L - 29/09/2021 07:42
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp hàng không chiều 28/9, lãnh đạo NHNN cho biết, các bộ, ngành đang xúc tiến để đề xuất gói tín dụng ưu đãi với doanh nghiệp hàng không.

Doanh nghiệp hàng không đề nghị vay ưu đãi trên 30.000 tỷ đồng

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Tổng thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết, ngành hàng không đang bị thiệt hại nặng nề, doanh thu “bốc hơi” hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đơn cử, Vietnam Airlines 6 tháng đầu năm nay lỗ 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng 6 tháng năm 2020, nâng tổng số lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2021 là 17.771 tỷ đồng, chính thức âm vốn chủ sở hữu.

VietJet Air, khối lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm trên 60% so với 2019; doanh thu trong tời kỳ cao điểm hè 2021 giảm tới 90% so với 2020.

Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2021, Bamboo Airways ước tính thiệt hại doanh thu gần 16.000 tỷ đồng (năm 2020: 9000 tỷ; 8 tháng năm 2021: 6500 tỷ đồng). Pacific Airlines (PA): Năm 2020, sản lượng khai thác chỉ đạt 38,8%, doanh thu chỉ đạt 30% so với năm 2019; 8 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 30,4%, doanh thu chỉ bằng 13% so với năm 2019 (trước Covid)…

Trong khi doanh thu sụt giảm nặng nề thì mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng trong thời gian máy bay phải ngừng bay, nằm tại các sân bay từ 80-90%. Ví dụ, mỗi tháng Vietjet phải trang trải 3 tỷ tiền lương và 80 tỷ tiền thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng, thanh toán cho các dịch vụ đầu vào cố định, duy tu, bảo dưỡng máy bay,…   

Mặc dù từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp như giảm lãi suất, giãn, hoãn thời gian trả nợ… và tiếp tục cho nhiều doanh nghiệp hàng không vay vốn để cải thiện tính thanh khoản trong giai đoạn khó khăn, riêng Vietnam Airlines đã được cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.  

Tuy nhiên, doanh thu sụt giảm thời gian dài khiến cân đối dòng tiền bị phá vỡ. Hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng VNA 20.000 tỷ đồng).  Hiện cả 5 hãng hàng không (VNA, Vietjet, Bamboo, PA, Vietravel) đều đề nghị Chính phủ cho vay ưu đãi từ 1.000 đến 10.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền. Tổng nhu cầu vay theo đề xuất của doanh nghiệp là 30.000 tỷ đồng.

Sẽ có gói hỗ trợ tín dụng với doanh nghiệp hàng không

Ông Bùi Doãn Nề cho hay, trên cơ sở báo cáo đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, Hiệp hội đề xuất 2 gói vay ưu đãi.

Thứ nhất, áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với VNA cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.

Thứ hai, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn: 3 - 4  năm.

Trước đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, chủ động giảm lãi cho các hãng hàng không, các ngân hàng chủ động quyết định cho các hãng vay tín chấp. NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng nếu cần. 

Theo Phó thống đốc, hiện các bộ, ngành như NHNN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT đang phối hợp để trình chính phủ gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không để trình chính phủ.

Hiện nay thì dư nợ tín dụng ngành hàng không là 24.000 tỷ đồng với khoảng 3/4 là lãi suất ưu đãi ở mức 5%/năm. Việc ngành hàng không đề xuất cho vay ưu đãi 30 nghìn tỷ nữa là hơn 50 ngàn tỷ, không phải là lớn nhất là so với quy mô tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tuy vậy, hiện nay có khoảng 3,5 - 4 triệu tỉ đồng dư nợ gặp khó khăn bởi dịch trên tổng 9,8 triệu tỉ đồng của cả nền kinh tế. Do đó, NHNN cũng phải thận trọng với rui rro trung hạn, tránh lạm dụng chính sách tiền tệ. 

Tin liên quan
Tin khác