Nỗ lực đảm bảo cung ứng thuốc
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024, đại diện Bệnh viện Trung ương Huế đã thông tin về công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế của bệnh viện thời gian qua.
Theo đó, trong năm 2023 Bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động trong công tác dự trù, lập kế hoạch, đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế.
Bệnh viện đã thực hiện 56 gói thầu với tổng giá các gói thầu (giá kế hoạch) là 2.778 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 2.441 tỷ đồng trong năm 2023.
Bệnh viện vẫn cơ bản đảm bảo toàn bộ thuốc, vật tư y tế kịp thời phục vụ bệnh nhân, đặc biệt đến ngày 4/3/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và đến tháng 6/2023 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT về Quy định, trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong công tác đấu thầu, mua sắm.
Dựa trên cơ sở pháp lý đã có là Luật Đấu thầu, các Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 58/2016/TT-BTC, Thông tư số 68/2022/TT-BTC; các thông tư khác có liên quan của Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn cụ thể.
Đồng thời Bệnh viện nâng cao tinh thần trách nhiệm và chủ động, linh hoạt trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm, đấu thầu đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực nên Bệnh viện đã áp dụng nhiều hình thức mua sắm, đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp...) để có hàng hóa phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Y tế. |
Các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn của các cấp cũng tạo thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện công tác đấu thầu.
Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định cụ thể về việc xác định giá kế hoạch trong mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, là căn cứ giúp Bệnh viện chủ động hơn trong việc xây dựng giá trong đấu thầu.
Đấu thầu qua mạng được thực hiện hiệu quả, đảm bảo tính công khai minh bạch trong công tác đấu thầu, rút ngắn được thời gian thực hiện.
Công tác quản lý sử dụng thuốc và vật tư y tế được tăng cường với mục đích sử dụng thuốc, vật tư y tế hiệu quả, an toàn và hợp lý góp phần vào việc đảm bảo cung ứng thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện.
Trường hợp những loại thuốc, vật tư y tế khi tổ chức đấu thầu không có nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu trúng thầu... Bệnh viện cũng chủ động, nhanh chóng cho tổ chức đấu thầu lần 2.
Tuy nhiên, vẫn có một số danh mục thiếu cục bộ do nhà cung ứng không nhập được hàng hóa, do tờ khai hải quan hết hạn, đứt nguồn cung do diễn biến các cuộc chiến tranh trên thế giới, việc cấp lại giấy phép lưu hành… Bệnh viện đã kịp thời điều chỉnh thuốc và phác đồ điều trị hoặc lựa chọn thuốc hoặc vật tư tương tự để điều trị cho bệnh nhân.
Trong một số trường hợp thiếu nguồn hàng do không đủ nguồn cung, do tăng giá từ nhà sản xuất… Bệnh viện đã tích cực và quyết liệt trong đàm phán với các nhà thầu để đảm bảo nguồn cung cho Bệnh viện.
Để kịp thời đảm bảo đầy đủ thuốc vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh năm 2024, Bệnh viện đã chủ động lập, thẩm định, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu mua sắm cho năm 2024 gồm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, hàng hóa dịch vụ… và đặc biệt gói thầu xây dựng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế II cũng đã kịp phát hành hồ sơ mời thầu trong ngày 30/12/2023.
Đây là một sự nỗ lực rất lớn, thể hiện sự nhất trí cao của Ban Giám đốc và các khoa phòng chức năng có liên quan.
Tất cả các gói thầu đều được mở thầu trong tháng 1/2024 đảm bảo kịp thời thuốc, vật tư y tế, hàng hóa phục vụ bệnh nhân (37 gói thầu với tổng giá các gói thầu (giá kế hoạch) là 1.838 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trước thực tế còn nhiều khó khăn liên quan đến công tác đấu thầu thuốc, vật tư đại diện Bệnh viện Trung ương Huế kiến nghị các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc và vật tư y tế, tăng cường đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá.
Hiện tại do đặc thù, Bệnh viện gặp vướng mắc trong việc điều hành nhân lực giữa 3 cơ sở trực thuộc do trùng thời gian đăng ký hành nghề, đặc biệt là các trường hợp nhân lực kỹ thuật cao, chuyên môn sâu.
“Bệnh viện mong muốn có hướng dẫn trong trường hợp này, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh và đặc biệt là thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện”, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế nêu.
Nhiều giải pháp cần triển khai năm 2024 của ngành Y tế
Phát biểu tại hội nghị quan trọng của ngành Y tế, Phó thủ tướng Lê Minh cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, thể chế, pháp luật về y tế vẫn còn bất cập. Nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho ngày y tế còn hạn chế, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu.
Vẫn còn khoảng cách về chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giữa dịch vụ công và dịch vụ tư.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu.
Ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc vẫn còn chưa mạnh. Công tác đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong năm 2024 ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế.
Đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vắc-xin, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.
Tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. Bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ngoài ra, cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân.
Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. |
Đồng thời tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó Bộ trưởng Bộ Y tế cần tập trung rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới.
Đặc biệt, cần đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.
Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, nhất là phương thức đối tác công - tư, đẩy mạnh tự chủ tại các cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong năm 2024 Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.
Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…
Nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách tiền lương. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.
Cũng theo yêu cầu của Phó thủ tướng, năm 2024 ngành cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng sản xuất vắc-xin và thuốc từ dược liệu. Thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền; kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.
Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng. Trong đó, sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam gắn với xây dựng, ban hành Khung chính sách quốc gia thích ứng, giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận xã hội.