Ngân hàng - Bảo hiểm
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Cần giữ ổn định cả lãi suất và tỷ giá
T.L - 14/12/2024 19:45
Phó thủ tướng đề nghị NHNN theo dõi sát sao tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới để có những chính sách hợp lý. Điều hành chính sách tiền tệ cần giữ được ổn định cả lãi suất và tỷ giá, thúc đẩy kinh tế phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 của ngành ngân hàng sáng nay, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng với sự phát triển của đất nước.

Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, hiệu quả, lãi suất ổn định và có xu hướng giảm để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế; tăng trưởng tín dụng tốt; ổn định tỷ giá; hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra; thực hiện tái cơ cấu 2 ngân hàng; thanh khoản hệ thống được bảo đảm...

Do tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới còn phức tạp và diễn biến bất thường, ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế trong nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN cần theo dõi rất sát để có những chính sách hợp lý trong từng thời kỳ. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ cần giữ được ổn định cả lãi suất và tỷ giá, các mức tăng giảm phải hợp lý để thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển.

Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cho năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả; phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu, cung cấp vốn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không để gián đoạn.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần “cả hai cùng thắng”.

Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định, hợp lý, kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển. Đẩy mạnh phòng, chống rửa tiền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực ngân hàng; kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp rủi ro do thiên tại, dịch bệnh...  

Báo cáo của Phó thống đốc Đào Minh Tú cho thấy, trong năm 2024 NHNN đã chủ động điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ linh hoạt, theo sát những biến động lớn của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát 11 tháng năm 2024 được kiểm soát ở mức 3,69%, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng khá cao (6,82%).

NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,44% so với năm 2023. Theo Phó Thống đốc, đây là bước đi thể hiện sự chủ động của NHNN, phù hợp với diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức âm và cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để hạn chế áp lực tỷ giá; công bố phương án bán ngoại tệ cho các TCTD để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong những giai đoạn áp lực lớn. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tâm lý thị trường được bình ổn, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt; mức mất giá của VND phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2024, NHNN đã phối hợp các Bộ, ngành chức năng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này. NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tiếp tục bổ sung, tu chỉnh và hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, NHNN đã đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, công khai.Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 được cải thiện so với năm trước. Đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5% so với cuối năm 2023 và tăng 16,51% so với cùng kỳ năm 2023.   

NHNN cũng đã quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các TCTD yếu kém.  Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Vấn đề pháp lý tiếp tục được rà soát, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân…

Bên cạnh các thành tựu đạt được, Phó Thống đốc cũng chỉ ra nhiều thách thức mà ngành ngân hàng đang gặp phải như: mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới, tỷ giá vẫn có nguy cơ chịu nhiều sức ép, thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững…

Phó thống đốc khẳng định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ngành ngân hàng tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục triển khai.

Tin liên quan
Tin khác