Ngày 13/9/1988 đánh dấu sự ra đời của công ty công nghệ thông tin số một Việt Nam sau này với 13 sáng lập viên. FPT ban đầu có tên gốc là Food Processing Technology (Công ty Công nghệ Thực phẩm) và đến năm 1990 được đổi thành Financing Promoting Technology (Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ).
"25 năm qua, ngành CNTT quốc gia đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ một vài chiếc máy tính cuối những năm 80, CNTT hiện nay đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ trong Lễ kỷ niệm FPT 25 năm, diễn ra ngày 7/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). "Trong những thành tựu của ngành CNTT Việt Nam hôm nay, FPT có vị trí quan trọng với những đóng góp tích cực, trở thành một trong những doanh nghiệp CNTT hàng đầu, góp phần hình thành ngành công nghiệp CNTT và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành".
Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò tiên phong trong công nghệ của FPT suốt một phần tư thế kỷ qua và nhấn mạnh Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ chính là sự ghi nhận những nỗ lực và đóng góp cho ngành, cho đất nước của tập đoàn.
|
Phó thủ tướng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho lãnh đạo tập đoàn. Ảnh: Nguyên Anh. |
Sự thay đổi không ngừng của công nghệ hình thành nên một thế giới thông minh, được kết nối chặt chẽ và có hàm lượng tri thức khổng lồ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thành lập với vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu. Một trong những nhiệm vụ chính của Ủy ban Quốc gia là chỉ đạo những vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các ngành, nghề trọng điểm. Do đó, Phó Thủ tướng mong rằng FPT sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong giai đoạn mới, xứng đáng là "Forward Pioneering Team".
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập FPT diễn ra trang trọng và rực rỡ sắc cam cùng các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hoá FPT. "Hôm nay chúng ta cùng nhau sống lại những khoảnh khắc FPT. Đó là khoảnh khắc 10h ngày 13/9/1988, nhóm sáng lập từ tất cả tâm trí mình viết những dòng chữ vàng sứ mệnh: FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, phát biểu. Ông cũng bồi hồi nhớ lại các dấu mốc khó quên như khi FPT đưa máy tính đến Cà Mau, tiến ra chinh phục thị trường quốc tế, ra mắt chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu tập đoàn...
Ngày 20/6/2013, Thủ tướng đã khẳng định CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến vào nền kinh tế tri thức. "CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam, song đã đến lúc Việt Nam trở thành nhỏ bé đối với FPT. Đã đến lúc chúng ta nghĩ đến doanh thu hàng tỷ USD từ nước ngoài. Người Ấn Độ làm được, người Trung Quốc làm được, người Việt Nam sẽ làm được. Tôi tha thiết kêu gọi mỗi người FPT hãy cháy hết mình cho những khoảnh khắc FPT, đã sáng tạo hãy sáng tạo hơn nữa, đã tận tụy hãy tận tụy hơn nữa, vì một Việt Nam thông minh hơn, vì một ASEAN thông minh hơn, và vì một thế giới thông minh hơn", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Chặng đường 25 năm tiếp theo của FPT sẽ gắn liền với những bước ngoặt trong công nghệ thế giới và quốc gia. "Nếu bóng bán dẫn làm nên cường quốc Nhật, con chip làm nên Đài Loan và Hàn Quốc, sự cố Y2K làm nên cường quốc phần mềm Ấn Độ thì Việt Nam có cơ hội gì trong xu hướng thông minh hóa dựa trên công nghệ di động, điện toán đám mây và dữ liệu lớn này? Chưa bao giờ FPT có cơ hội ganh đua trong thế giới 'thông minh' cùng với các Tập đoàn CNTT danh tiếng cùng từ một vạch xuất phát như hôm nay", vị Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ.
|
Khán phòng lung linh trong ánh nến và sắc áo cam. Ảnh: Nguyên Anh. |
Sau một phần tư thế kỷ, doanh thu của FPT giai đoạn 1988-2012 tăng trung bình 53,23% mỗi năm, lợi nhuận tăng trung bình 52,57% mỗi năm, tổng nộp ngân sách Nhà nước gần 23,562 tỷ đồng và tạo 15.000 công ăn việc làm cho đất nước. Hiện FPT đã có mặt tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc và 14 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu tới năm 2016 tập đoàn này sẽ có 100.000 nhân viên.
Châu An - vnexpress