13 dự án sử dụng 700 triệu USD từ nguồn ODA
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn 2011-2015, Đà Nẵng triển khai 13 dự án từ nguồn ODA (7 dự án đầu tư, 6 dự án hỗ trợ kỹ thuật) với tổng vốn khoảng 700 triệu USD (trong đó vốn ODA là 540 triệu USD, vốn đối ứng 160 triệu USD).
Các dự án đầu tư gồm: Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng do WB tài trợ; Dự án phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông do WB tài trợ; Dự án Xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với UBND TP Đà Nẵng ngày 30/7. Ảnh: Hà Minh |
Đồng thời, triển khai Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng do WB tài trợ; Dự án Đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018 do ADB tài trợ; Dự án Cung cấp thiết bị cho Trung tâm khu vực miền Trung về y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ; Dự án Quỹ đầu tư pjhats triển TP Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và WB tài trợ.
Bên cạnh đó, có 6 dự án hỗ trợ kỹ thuật, gồm: Dự án Phát triển đô thị Đà Nẵng thân thiện với môi trường và khí hậu do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ; Dự án Tăng cường tác động cách hành chính ở TP Đà Nẵng do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ; Tiểu Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án Phát triển bền vững TP Đà Nẵng do WB tài trợ...
Theo đánh giá, các dự án ODA đã góp phần quan trọng việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, các dự án này còn góp phần cải thiện điều kiện y tế (trang bị máy móc, thiết bị tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư); nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để thành phố 5 năm liền (2008-2013) dầu đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT.
Cần thêm nguồn ODA cho những dự án cốt tử
Giai đoạn tới, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Đà Nẵng có nhu cầu sử dụng vốn ODA cho 8 dự án mà theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ là trong đó có những dự án cốt tử, như: Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng, vốn ODA: 139,7 triệu USD (tương đương 3.058,9 tỉ đồng), vốn đối ứng 24,7 triệu USD (tương đương hơn 540 tỉ đồng)
Dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại của Chính Phủ Nhật Bản để xây công trình phụ trợ. Vốn đầu tư dự kiến 24,74 tỉ Yên (tương đương 4.825,29 tỉ đồng).
Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.330 tỷ đồng giảm tải cảng Tiên Sa tiến tới dần chuyển công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Hiện UBND TP Đà Nẵng đang lấy ý kiến về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng theo hình thức PPP có sử dụng ODA.
Bên cạnh đó, Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng tái phát triển đô thị xúc tiến với WB và JICA (phần đầu tư không thuộc Bộ GTVT) gần 10.000 tỉ đồng...
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Đà Nẵng là một trong 3 địa phương cả nước sử dụng nhiều vốn ODA, cũng là thể hiện sự ưu tiên của Chính phủ đối với nhu cầu phát triển của Đà Nẵng. Qua đánh giá, về cơ bản, các dự án đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra, đạt kết quả tốt, đóng góp hiệu quả cho phát triển thành phố.
“Việc giải ngân vốn ODA khoảng 30%, cao hơn với mặt bằng cả nước (khoảng 20-25%) mà không gặp nhiều khó khăn với vốn đối ứng với các dự án ODA là một trong những nỗ lực, điểm sáng của Đà Nẵng cần nhân rộng”- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ đang xây dựng cơ chế để thời gian tới sử dụng vốn ODA như thế nào cho hiệu quả, tính toán khả năng trả nợ đến đâu.
Vì vậy, đề nghị Đà Nẵng trên kinh nghiệm triển khai thời gian vừa qua, nghiên cứu đóng góp cơ chế tài chính đối với nguồn vốn vay ODA mức vay 50%; đối với nguồn vốn vay ưu đãi, mức vay là 100%. Bên cạnh đó, mô hình kết hợp giữa vốn PPP + vốn vay ưu đãi+ vốn vay ODA chưa thực hiện mà Đà Nẵng đang đề nghị thì phải đánh giá xem cơ chế tài chính như thế nào. Đó là vay 70% nguồn vốn vay ODA hoặc vốn vay ưu đãi làm phần góp vốn của Đà Nẵng.
Việt Nam đã bước qua giai đoạn tiếp cận với nguồn vốn vay ODA rẻ, nguồn viện trợ cho không. Là nước phát trát triển trung bình, Việt Nam chỉ có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi có có lãi suất cao hơn. Từ nay đến năm 2020, nợ ODA của nước ta đã chiếm 26% tổng số nợ quốc gia. Điều đó nói lên việc dử dụng vốn ODA hay vốn vay ưu đãi phải hết sức cẩn thận, tìm hiểu kỹ lưỡng cùng với khả năng trả nợ cho phù hợp.
“Vì vậy, với các dự án mà Đà Nẵng đề nghị được sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải cân nhắc kỹ khả năng huy động nguồn vốn khác với nguồn vốn ODA, nguồn vốn bổ sung thêm và khả năng trả nợ được. Có khả năng trả nợ được thì mới dám vay”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.