Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn. |
Trong phiên chất vấn chiều 9/6, đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) nêu vấn đề, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Theo Phó thủ tướng, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Nếu liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp hoặc các phiên họp thường kỳ của Chính phủ để xem xét các dự thảo luật.
Ông Phạm Bình Minh nhận định, nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương rất khó xảy ra, bởi không thể một mình cơ quan nào xây dựng luật được.
Chính phủ cũng đã đề ra những quy định, có những nhóm giải pháp để minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ, Phó Thủ tướng cho biết.
Liên quan đến thông tin Phó thủ tướng báo cáo Quốc hội, dùng quyền tranh luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu, qua báo cáo của Phó thủ tướng và giải trình của các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp này cho thấy, thêm một lần nữa pháp luật được coi là mộ trong những nguyên nhân làm chậm trễ trong thực hiện một số gói phục hồi, phát triển kinh tế và nhiều mục tiêu khác.
Là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, kính mong Phó thủ tướng cho biết việc chậm trễ có đúng là do rào cản pháp luật hay không? Phải chăng những cơ chế đặc thù là chưa đủ và nếu đúng là do pháp luật thì xin Phó thủ tướng chỉ giúp đó là những quy định nào để Quốc hội được biết và cũng có căn cứ để hoàn thiện thể chế, đại biểu Mai đề nghị.
Trả lời, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát lại thể chế xem có những vướng mắc gì .
"Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành, các địa phương báo cáo lên và tổng hợp rất nhiều vấn đề, trong đó khoảng 60-70% là do vấn đề hiểu chưa hết các quy định thủ tục", Phó thủ tướng thông tin.
Ông cho biết, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành giải thích về các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Phó thủ tướng, những vấn đề gì liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, thì tập hợp lại để điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành. Vấn đề gì liên quan đến luật thì sẽ tập hợp, điều chỉnh và báo cáo đề xuất Quốc hội.
Nhận định trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 4 ngày 10/1/2022, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể gì để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Trả lời, Phó thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ về vấn đề này, đã tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành với các địa phương và cũng đang chỉ đạo cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ trong thực hiện các giải pháp phân cấp, phân quyền. Trong đầu tư công, đầu tư các tuyến đường cao tốc vừa qua Chính phủ cũng đề xuất những nội dung liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết.
Kết thúc phiên chất vấn cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong hai ngày rưỡi đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, có 131 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 34 đại biểu đặt câu hỏi đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, có 28 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian chưa được chất vấn gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.