Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh
Ngày 7/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 17 (ITE HCMC 2023) đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” nhằm thảo luận và đề xuất các biện pháp tăng cường chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: “Chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này khi tạo ra không gian số, hạ tầng số được xây dựng nhanh, ít tốn kém hơn so với hạ tầng vật chất… Ngoài ra, dữ liệu và các xu thế mang lại hiệu quả, năng lực cạnh tranh tốt hơn khi phi trung gian hóa, phi tập trung hóa và phi vật chất hóa… từ đó tạo ra tài nguyên mới và phương thức quản trị hiệu quả trong phát triển du lịch.”
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ tại diễn đàn. |
Phó thủ tướng giải thích thêm, chuyển đổi số trong du lịch là đưa toàn bộ ngành Du lịch lên môi trường số nhằm xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh như: Xem trước điểm đến đã được số hoá, đặt vé đi lại, khách sạn, được thuyết minh bằng chính thứ tiếng của du khách tại điểm du lịch, thanh toán điện tử…
Có thể thấy, sau Covid-19, chuyển đổi số không chỉ phục hồi sự phát triển sau đại dịch mà còn nhằm mục đích hỗ trợ hình thành các chiến lược, chính sách mạnh mẽ trong tương lai.
Với vai trò là cơ quan quản lý ở Trung ương, hiện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch để làm khung hướng dẫn chung cho các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu triển khai thống nhất.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Năm 2021, Cục đã phối hợp với Google để ra mắt dự án Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam. Cũng từ năm 2021, với sự hỗ trợ ban đầu của Google, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai chương trình truyền thông bằng video clip trên nền tảng số YouTube có chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!”. Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber...”.
Tiềm năng chưa từng có
Theo các chuyên gia, du lịch là một một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
Tại TP.HCM, việc thực hiện các chương trình như: “Ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần TP.HCM từ trên cao” và “Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM” đã đem lại hiệu quả cao.
Trong đó, nhờ ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần Thành phố, di chuyển trên cao kết hợp tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch… mà du khách có thể trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời TP.HCM và tham quan Thành phố tầm nhìn trên cao. Từ đó, đưa TP.HCM trở thành một trong những điểm đến được đưa vào sự lựa chọn của du khách trước khi bắt đầu tour, tuyến du lịch.
Việc ứng dụng công nghệ cao giúp du khách tăng tính trải nghiệm tại các điểm đến. |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhờ những tín hiệu tích cực, đi kèm với nỗ lực của ngành du lịch, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới từ 10-25%. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm thuộc nhóm này theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google. Việc chuyển đổi số trong du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực.