Chiều 3/7, Hội Tin học Việt Nam đã phối hợp với các hội, hiệp hội trong ngành công nghệ thông tin tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức."
Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong cả nước.
Tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, muốn thực hiện chuyển đổi số cần có sự vào cuộc của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân. Bản thân người dân tham gia quá trình chuyển đổi vì chính bản thân nên người dân cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chuyển đổi số không thể tách rời khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Những điểm yếu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số là thiếu tính kỷ cương, tính hợp tác và tính kiên trì chiến lược cần được khắc phục và Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi số để không thua cuộc trong cạnh tranh quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số tại Việt Nam cần thực hiện theo cách của Việt Nam vì chuyển đổi số liên quan đến mọi ngành nghề và cần được tiến hành theo cách phù hợp với văn hóa Việt Nam. Mấu chốt quan trọng để chuyển đổi số thành công là cần có sự thay đổi trong nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các đơn vị.
Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi mô hình, quản trị, mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động, vận hành và nên bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể, nằm trong khả năng, trong tầm tay.
Nhận định chuyển đổi số là vấn đề toàn dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, với Việt Nam, những vấn đề vì nhân dân, cần sự hợp lực của toàn dân thì Việt Nam sẽ chiến thắng, sẽ làm được.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chính phủ số hoạt động sẽ làm hiệu quả, tăng tính minh bạch, giảm tham nhũng. Kinh tế số góp phần tạo ra những giá trị mới, mô hình tăng trưởng mới. Xã hội số sẽ mang đến cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ mới, tiếp cận tri thức.
Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, những doanh nghiệp công nghệ thông tin đóng vai trò dẫn dắt các đơn vị, cá nhân. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần triển khai các dịch vụ điện tử hướng tới chính phủ số, tạo nền tảng, đầu tư hạ tầng số đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo...
Hiện nay, công nghệ chuyển đổi từ hệ thống thông tin sang nền tảng công nghệ thông tin cho phép quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đơn vị được thực hiện nhanh chóng, bài bản hơn.
Chuyển đổi số là quá trình mang tính tổng thể, do đó, các nền tảng số cần được tạo dựng trên cơ chế mở, đồng bộ, kết nối cao nhằm đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật.
Chuyển đổi số phải cải thiện năng lực công nghệ và kỹ thuật số của người dân, tạo ra giá trị tăng trưởng và phát triển. Chuyển đổi số mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin sáng tạo ra những giải pháp, nền tảng phù hợp với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần nhìn nhận rõ những thách thức về thể chế, môi trường chính sách, hạ tầng, nền tảng kỹ thuật hiện tại của Việt Nam để đưa ra những giải pháp công nghệ hợp lý cho quá trình chuyển đổi số.