Viễn thông - Công nghệ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Doanh nghiệp ICT cần chủ động "chào hàng"
Hữu Tuấn - 25/06/2015 11:32
Ngày 25/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”, với 500 chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Dịch vụ nào cấp thiết cho người dân thì làm trước

Tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra những khuyến nghị của Chính phủ khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ICT đầu tư, cung cấp các dịch vụ công có thu phí cho người dân, chủ động sáng tạo tiếp cận chào hàng sản phẩm của mình với thế giới.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng cho biết Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đang quyết liệt thúc đẩy các Bộ Ban ngành xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho ICT ứng dụng sâu rộng, thuận tiện, hiệu quả vào các cơ quan của Chính phủ, cải cách thủ tục  hành chính bằng công nghệ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cung cấp các dịch vụ công, các lĩnh vực nóng bỏng cấp thiết cho người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, sản phẩm, dịch vụ công nghệ.

 

"Tinh thần của Chính phủ là minh  bạch, chính xác, cụ thể, có lộ trình rõ ràng và cái gì liên quan trực tiếp, cấp thiết đến người dân thì  đầu tư, tạo cơ chế, chính sách ưu tiên làm trước ", Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, tính đến cuối 2013, Việt Nam có hơn 104.000 dịch vụ công nhưng dịch vụ cấp 1 và cấp 2 chỉ có 101.829 dịch vụ, 2.366 dịch vụ cấp 3 và 111 dịch vụ công cấp 4. Rõ ràng, các dịch vụ công cấp độ cao mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Như vậy, còn dư địa rất lớn cho doanh nghiệp cung cấp cho Chính phủ.

Phó thủ tướng đưa ra câu chuyện Viettel và FPT đang xây dựng, thử nghiệm cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế tại 3 tỉnh, thành phố. Ngành bảo hiểm y tế mỗi năm đang chi trả 50.000 tỷ đồng, chỉ cần mỗi năm thất thoát, làm sai một vài % vì không ứng dụng CNTT quản trị thì con số này rất lớn. Nếu làm được không những giúp Nhà nước rất lớn mà còn cùng cộng đồng doanh nghiệp hợp tác xây dựng hệ sinh thái phát triển, minh bạch tiện ích cho hệ thống này, còn người dân cũng được hưởng lợi lớn.

Doanh nghiệp cần chủ động "chào hàng"

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý ngành CNTT cần phải thay đổi tư duy, không chỉ cơ quan Nhà nước mà cả doanh nghiệp. Nếu như trước đây cơ quan Nhà nước phải lập dự án thì nay họ chỉ cần nêu đề bài để doanh nghiệp tự xây dựng, tính toán.

Các doanh nghiệp cần tránh tư tưởng chỉ cung cấp dịch vụ một lần là xong, ăn xổi ở thì mà cần chủ động hơn, không để phải mời mà căn cứ nhu cầu của xã hội và cơ quan quản lý nhà nước để chào hàng, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ được Nhà nước khuyến khích phát triển.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần có những chính sách thuế, ưu đãi cho CNTT. Nếu chính sách thuế không tốt thì những người Việt Nam làm việc ở Việt Nam nhưng làm không tốt chính sách thuế, ưu đãi đầu tư thì họ sẽ mở công ty ở nước ngoài, nộp thuế nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho nước ngoài.

Cần xây một số doanh nghiệp CNTT tầm quốc tế

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son dẫn nhiều số liệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT, như doanh thu ngành CNTT viễn thông năm 2014 đạt 27 tỷ USD, nhân lực ngành CNTT đang làm việc đạt 350.000 người, hiện có 290 cơ sở giáo dục Đại học cao đẳng...

Tuy vậy, cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra, Bộ trưởng đồng tình rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong việc ứng dụng, phát triển CNTT tại Việt Nam, như Hệ thống thông tin các ngành chưa đồng bộ, liên thông với nhau, khiến cho đầu tư còn chồng chéo, thiếu hiệu quả; Ngân sách đầu tư cho CNTT còn khiêm tốn; Chất lượng, số lượng nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của xã hội; ứng dụng CNTT vào quản trị của các cơ quan, tổ chức còn yếu so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT chưa có đột phá, chưa khuyến khích được ngành phát triển....

Để khắc phục những bất cập này, ông cho biết Bộ TT&TT sẽ cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng kiện toàn, đổi mới phương thức chỉ đạo của UBQG về Ứng dụng CNTT, nêu bật vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với sự ứng dụng CNTT.

Ứng dụng CNTT cũng là nội dung bắt buộc phải có trong các Đề án, chương trình hành động, dự án đầu tư trong thời gian tới; Tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, ban hành hành lang pháp lý đầy đủ cho ứng dụng CNTT; xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp CNTT, nghiên cứu phát triển, hình thành nên một số doanh nghiệp CNTT tầm cỡ khu vực và quốc tế; thúc đẩy triển khai phương thức thuê dịch vụ, đầu tư công tư (PPP), huy động nguồn lực xã hội....

Với 4 Tọa đàm chuyên đề, Vietnam ICT Summit 2015 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để ứng dụng  quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là 1 số ngành, lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội như dịch vụ công, y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT..  
   
Tin liên quan
Tin khác