Điểm nóng
Phòng, chống dịch Covid-19: Đề xuất Hà Nội cách ly xã hội thêm 1 tuần
Thu Trang - 22/04/2020 13:39
Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất sẽ nêu đề xuất trên với Thường trực Chính phủ phân loại lại các địa phương theo nhóm nguy cơ. Trong đó, chỉ còn Hà Nội nằm ở nhóm có nguy cơ cao về dịch Covid-19, TP.HCM ở nhóm có nguy cơ; 59 tỉnh, thành nguy cơ thấp.

Theo đó, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, tiêu chí ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (F0) là yếu tố quan trọng để phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ. Nhóm "nguy cơ cao" là địa phương còn ca nhiễm Covid-19 tại cộng đồng trong 14 ngày qua; nhóm "nguy cơ" có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng 15 đến 28 ngày; còn nhóm "nguy cơ thấp" trên 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. 

Sau khi họp với các chuyên gia và lấy ý kiến 28 địa phương, Ban chỉ đạo thống nhất phân chia lại các nhóm tỉnh, thành. Theo đó, Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao; nhóm nguy cơ gồm TP HCM, Bắc Ninh, Hà Giang; nhóm nguy cơ thấp là các địa phương còn lại. 

Ban chỉ đạo đề xuất tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 về cách ly xã hội thêm 1 tuần với nhóm nguy cơ cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu; các loại hình kinh doanh đường phố theo tình hình thực tiễn tại địa phương, nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Chiều nay 22/4, Thường trực Chính phủ sẽ họp để xem xét, quyết định các đề xuất trên. 

TP. Hà Nội được đề xuất cách ly xã hội thêm 1 tuần

Theo Ban chỉ đạo quốc gia, Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng đã góp phần quản lý được các trường hợp xâm nhập có thể bị bỏ sót khi cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam; hạn chế việc di chuyển và tập trung đông người của các trường hợp mắc phát hiện tại cộng đồng (như với ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh), từ đó đã ngăn chặn không để lây lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng.

Trong vòng 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 (từ 1/4 đến 15/4), hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 32 trường hợp mắc mới tại cộng đồng trong tổng số 62 ca được phát hiện.

So sánh cùng khoảng thời gian trước đó (153 trường hợp mắc từ 16/3/2020 đến 31/3/2020), số trường hợp mắc giảm 59,5%, số mắc trung bình theo ngày giảm 6 trường hợp.

Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau 27/3 và giảm mạnh từ sau ngày 1/4. Đặc biệt, tính từ 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Tính đến sáng 22/4 Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, có 216 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 81% tổng số bệnh nhân); 52 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh. Ba bệnh nhân diễn biến nặng đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây, 19 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 8 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đến giờ phút này Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bởi vì chúng ta có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng và hiệu quả. Đặc biệt chúng ta tuyên truyền vận động xã hội, cả hệ thống vào cuộc phòng, chống dịch. Chính vì vậy nên khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, nhanh, nhưng toàn xã hội và cả bộ máy không bị động, không hoảng hốt.

Dù tình hình tốt lên nhưng điều quan trọng là nhất định không được chủ quan. Các biện pháp có tính nới lỏng phải trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch, khoa học xã hội và có tham khảo quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác