Khu đất ở thôn Bình Thạnh được đầu tư hạ tầng để biến thành... dự án |
Biến đất nông nghiệp thành đô thị
Thời gian qua, trên địa phận thôn Bình Thạnh (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) bỗng xuất hiện một “dự án” đất ở được đầu tư hạ tầng bài bản, với một con đường bê tông rộng hơn 2,5 m nối vào con đường chính của thôn Bình Thạnh, những trụ điện chiếu sáng được dựng lên, cây xanh được trồng xung quanh và khu đất được phân chia thành 14 lô đất nhỏ. Nhìn hạ tầng như vậy, hẳn nhiều người sẽ tin đây là một dự án dân cư được quy hoạch, tuy nhiên, thực tế đây là đất vườn, sau đó được chuyển nhượng, rồi “hô biến” thành đất ở.
Theo điều tra của phóng viên Báo Đầu tư, trước khi “hô biến”, các thửa đất số 1056a (tờ bản đồ số 28); số 1053 (tờ bản đồ số 28); số 1356 (tờ bản đồ 28) đều là đất ở, đất vườn, đất ao được nhà đầu tư mua gom thành 1 mảnh. Đáng chú ý, việc chuyển nhượng, sang tên đổi chủ quyền sử dụng đất, các bên không thực hiện tại UBND xã Tam Vinh mà ở Văn phòng công chứng tại Tam Kỳ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh cho biết, sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, tháng 8/2019, chủ sở hữu mới của những lô đất trên đã viết đơn gửi UBND xã để báo cáo việc đổ bê tông, trồng cây, mắc điện chiếu sáng trên tuyến đường này.
Câu chuyện “vẽ” dự án đất nền trên đất nông nghiệp cũng xảy ra tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), khi một doanh nghiệp vừa bị phát hiện “vẽ” dự án khu đô thị tại khu vực Điện Nam - Điện Ngọc.
Dự án này có tên rất “kêu” là Coco Green Home do Công ty CP Nhất Thành Nam (Thành Nam Land) giới thiệu, có tổng diện tích hơn 4.000 m2 được quảng cáo là quy hoạch nhà phố, nhà liên kề; pháp lý rõ ràng... Để quảng bá dự án, Thành Nam Land còn đăng cả sơ đồ phân lô của “dự án” Coco Green Home, gồm 3 phân khu A1, A2, A3; trong đó khu A1 và A3 có 10 lô đất nền/khu, khu A2 nằm giữa được quy hoạch 20 lô đất nền.
Qua tìm hiểu, thửa đất nói trên được cấp sổ đỏ từ năm 1998 với mục đích trồng cây lâu năm, thời hạn đến tháng 7/2047. Đến tháng 8/2018, chủ đất ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy ủy quyền cho Thành Nam Land chào bán “các sản phẩm của thửa đất”.
Trước sự xuất hiện của “dự án” trên, ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc khẳng định, việc phân lô, bán nền để xây dựng khu đô thị là trái quy định pháp luật.
Lừa người mua
Bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua tăng trưởng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền. Vì vậy, không ít doanh nghiệp liều lĩnh biến đất nông nghiệp thành đất ở, hay rao bán đất khi chưa đủ các yếu tố pháp lý. Đó chính là lý do khiến hơn 1.000 người dân mua đất tại các dự án do Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt (nay là Công ty CP Bách Đạt An) làm chủ đầu tư, Công ty Hoàng Nhất Nam phân phối, dù đã đóng đầy đủ tiền, nhưng vẫn không nhận được đất.
Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh Quảng Nam đang siết quản lý bất động sản.
UBND huyện Phú Ninh đã ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra tiến hành rà soát tính pháp lý đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng hạ tầng, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất đối với khu đất tại thôn Bình Thạnh. Huyện Phú Ninh cũng yêu cầu UBND xã Tam Vinh khẩn trương rà soát, báo cáo chi tiết quá trình xác nhận nguồn gốc đất, lập thủ tục hồ sơ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước và các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm (nếu có) đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng và các hoạt động liên quan khác của các cá nhân có liên quan tại thôn Bình Thạnh.
Liên quan đến Dự án Coco Green Home, ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định: “Dự án Coco Green Home chưa đủ điều kiện để chuyển quyền sử dụng đất, nhưng Thành Nam Land đã rao bán là lừa dối với người mua đất. Đây là trường hợp lập dự án “ma”, có biểu hiện lừa dối khách hàng lần đầu tiên xuất hiện tại thị xã Điện Bàn”.