Viễn thông - Công nghệ
Phủ sóng rộng, cước 4G sẽ rẻ hơn 3G
Hữu Tuấn - 13/11/2016 06:27
Tập đoàn Viettel cho biết sẽ triển khai mạng 4G với vùng phủ sóng lớn như 2G, giá cước rẻ hơn 3G.

Phủ sóng 4G toàn quốc như 2G

Ngay khi có giấy phép 4G, Viettel đã bắt tay vào đầu tư thiết bị, xây lắp hạ tầng. Với kinh nghiệm, Viettel cho biết sẽ triển khai mạng 4G có vùng phủ toàn quốc lớn nhất trong thời gian ngắn nhất.

Theo kế hoạch, Viettel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc vào quý I/2017 trên băng tần 1800 MHz. Viettel sẽ phủ sóng toàn quốc, vùng phủ sóng 4G của Viettel sẽ rộng như 2G, với 35.000 trạm trạm thu phát sóng.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G, nhằm phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động”.

Tiết lộ về mức giá cước 4G với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, trong nhiều lĩnh vực, kể cả viễn thông, hầu hết các công ty đều định giá đắt đối với các sản phẩm công nghệ mới nhằm mục tiêu “hớt váng”, nhưng với tư duy của Viettel, công nghệ mới cần được phổ cập cho số đông, nên cần định giá rẻ nhằm tạo lợi thế quy mô.

“Với 4G, giá cước sẽ rẻ hơn 3G, đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý nhất’, ông Sơn khẳng định.

Theo lãnh đạo Viettel, nhu cầu sử dụng dữ liệu di động của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Nếu như 5 năm trước, nhu cầu về dữ liệu di động hầu hết chỉ là đọc báo mạng, thì giờ đây, khách hàng có nhu cầu xem hoặc chia sẻ video HD ngay lập tức trên mạng xã hội, công nghệ mới như VR (thực tế ảo), games tương tác… bắt đầu xuất hiện phổ biến, trong khi 3G không thể đáp ứng được cả về tốc độ lẫn dung lượng. Việt Nam đang rất cần một mạng di động công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu người dùng đang tăng nhanh.

Sẽ phổ cập 4G tới người dân

Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động.

“Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phổ cập được băng rộng di động có một ý nghĩa rất lớn. Tôi cho rằng, 4G sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy, nếu tăng trưởng băng rộng khoảng 10% thì GDP của quốc gia đó sẽ tăng khoảng 1%”, ông Sơn cho biết.

Việc phổ cập dịch vụ di động phụ thuộc vào giá của thiết bị đầu cuối. Hiện nay, giá của máy điện thoại 4G vẫn còn cao, nên việc phổ cập 4G là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, Viettel cho rằng, giá thiết bị 4G  đã rẻ nhiều. Giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau, nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu 1 chiếc smartphone 4G. Hiện nay, máy điện thoại 4G cũng chỉ 40 - 50 USD, trong khi GDP tính theo đầu người cao gấp đôi năm 2008, nên việc phổ cập là hoàn toàn khả thi.

Mặt khác, ở công nghệ 2G và 3G, Viettel phải đi mua thiết bị của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, nhưng hiện tại, Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G. Đây chính là lợi thế của Viettel khi triển khai 4G.

Tất nhiên, để triển khai 4G rộng như 2G sẽ cần phải có nguồn lực tài chính mạnh và Viettel cho biết, họ đã chuẩn bị cho việc đầu tư chiến lược này.

Phát biểu tại buổi lễ trao giấy phép 4G cho Viettel, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với vai trò là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, hy vọng, Viettel sẽ tiếp tục tạo ra cuộc bùng nổ trong ngành viễn thông Việt Nam thông qua dịch vụ di động 4G, khi triển khai cung cấp dịch vụ 4G cho người dân trên phạm vi toàn quốc sớm nhất, tốc độ tải dữ liệu tối thiểu cao nhất, chất lượng dịch vụ tốt nhất và nhiều dịch vụ ứng dụng, dịch vụ giải pháp nhất phục vụ các đối tượng khách hàng.

“Viettel cần công bố công khai chất lượng dịch vụ, đặc biệt là tốc độ tối thiểu đối với từng gói dịch vụ triển khai; khảo sát và đánh giá nhu cầu sử dụng của người dân, xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác hiệu quả với các nhà cung cấp dịch vụ khác để tận dụng tối đa cơ hội do công nghệ 4G mang lại. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu thị trường để giải quyết một cách thỏa đáng bài toán chất lượng - giá cước khi chính thức thương mại hóa, tối ưu lợi ích Nhà nước - người sử dụng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Tin liên quan
Tin khác