Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 đơn vị được cấp phép khai thác cát xây dựng, với tổng diện tích là 72 ha, tổng công suất khai thác 220.000 m3/năm; 4 đơn vị được cấp giấy phép khai thác đất san lấp, với tổng diện tích là 27 ha, tổng công suất khai thác 280.000 m3/năm; 16 đơn vị được cấp giấy phép khai thác đá, với tổng diện tích là 90 ha, tổng công suất khai thác 1,2 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế các công trình xây dựng ở tỉnh Phú Yên hiện nay, thì khối lượng cát xây dựng, đất san lấp được cấp phép khai thác không đủ cung cấp.
Điều này dẫn đến một số công trình chậm tiến độ, xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép, khai thác không đúng vị trí.
Để giải quyết tình trạng này, ông Thế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 mỏ đất, cấp 4 giấy phép quyền khai thác khoáng sản.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên đã thống nhất phương án, giá khởi điểm, bước đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 11 mỏ đất, 3 mỏ cát, 3 mỏ sét và mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề, kiểm tra thực địa và thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra việc quản lý, khai thác của các mỏ cát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Phú Yên đề nghị chính quyền các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm trong việc quản lý các khu vực, mỏ khoáng sản chưa cấp phép khai thác ở địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phải theo dõi, quản lý chặt chẽ các mỏ khoáng sản đã cấp phép, đảm bảo khai thác đúng vị trí, đúng khối lượng theo quyết định đã được phê duyệt.