- 6 tháng, Thừa Thiên Huế giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 40% kế hoạch
- Quảng Bình thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án đầu tư công
- Cải thiện và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công: Phải bằng các biện pháp căn cơ, lâu dài
- Long An: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao so với cùng kỳ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Lê Tấn Hổ (thứ 3 từ trái sang) trong một lần kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà. Nguồn: phuyen.gov.vn |
UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ đạo nguời đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương và các chủ đầu tư cần nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là đơn vị tư vấn và tổ chức thực hiện dự án; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
UBND tỉnh Phú Yên còn yêu cầu các đơn vị thường xuyên tổ chức cuộc họp giao ban công tác thực hiện dự án đầu tư và giải ngân vốn, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; khẩn trương hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn khi có khối lượng, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết sẽ bị xử lý nghiêm.
UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh chuyên trách về giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tuyên truyền, vận động, giải thích rõ các quy định pháp luật về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ tạo sự đồng thuận trong người dân.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, đại biểu Phạm Ngọc Công đã chất vấn ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên về tiến độ, giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện 3 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do cơ quan này làm chủ đầu tư.
Theo ông Công, 3 dự này đang gặp khó khăn và vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Cụ thể, Dự án Tuyến nối Quốc lộ 1A đến Khu xử lý rác thải, nước thải và chất thải nguy hại của Khu kinh tế Nam Phú Yên triển khai thực hiện từ năm 2017, vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đã bố trí là 300 tỷ đồng và Dự án Tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong triển khai thực hiện năm 2021, vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đã bố trí 431 tỷ đồng, nhưng đến nay cả 2 dự án này chưa được phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô triển khai thực hiện từ năm 2015, vốn ngân sách Trung ương năm 2021 chuyển sang năm 2022 là 42 tỷ đồng, nhưng đến nay mới bàn giao chưa tới 75% mặt bằng để thực hiện dự án.