Cơ cấu sử dụng đất của Khu công nghiệp Hòa Tâm theo Quyết định số 945, ngày 12/7/2024 của UBND tỉnh Phú Yên. |
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên
Theo đó, Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa. Về ranh giới, phía Đông giáp tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà và núi Bãi Gốc; phía Tây giáp Khu công nghiệp Hòa Xuân Đông; phía Nam giáp núi Giực Kinh và núi Hòn Bà; phía Bắc giáp sông Đà Nông.
Khu công nghiệp Hòa Tâm có quy mô diện tích khoảng 1.115 ha. Trong đó, diện tích đất Khu công nghiệp Hòa Tâm khoảng 1.080 ha; diện tích đất Trung tâm hành chính phục vụ cảng Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm khoảng 20 ha; diện tích đất nghiên cứu khảo sát đánh giá hiện trạng dân cư bên ngoài khu vực núi Bãi Gốc khoảng 15 ha.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, Khu công nghiệp Hòa Tâm là khu công nghiệp đa ngành, đầu tư các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng,... nhằm khai thác tiềm năng cảng Bãi Gốc.
Khu công nghiệp Hòa Tâm có diện tích đất là 1.080 ha nên Đồ án 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm được tổ chức, bố trí các phân kỳ đầu tư gồm khu A có quy mô diện tích khoảng 491,87 ha; khu B có quy mô diện tích khoảng 423,72 ha và khu C có quy mô diện tích khoảng 164,41 ha.
Về quy hoạch sử dụng đất, Khu công nghiệp Hòa Tâm được quy hoạch 4 lô đất dịch vụ có tổng diện tích 12,87 ha. Chức năng làm cơ sở lưu trú trong khu công nghiệp và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp với chiều cao xây dựng tối đa 10 tầng.
Đối với đất nhà máy, kho tàng, Khu công nghiệp Hòa Tâm được quy hoạch 7 lô đất sản xuất công nghiệp với diện tích 633,32 ha (chiếm tỷ lệ 69,17%). Các khu đất công nghiệp bố trí tập trung tạo thành các nhóm nhà máy công nghiệp có quy mô lớn từ 30 - 250 ha để đáp ứng cho các ngành luyện kim, năng lượng, lọc hóa dầu,... chiều cao xây dựng tối đa 5 tầng; mật độ xây dựng 60 - 70%; hệ số sử dụng đất tối đa 3,5 lần.
Đất các khu hạ tầng kỹ thuật có 3 lô đất với tổng diện tích 10,21 ha; chức năng để bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật chung theo từng giai đoạn đầu tư (cấp nước, thoát nước, cấp điện...).
Khu công nghiệp Hòa Tâm có chỉ tiêu sử dụng lao động khoảng 40.000 người, nhu cầu sử dụng nước khoảng 175.400 m3/ngày đêm; tổng lưu lượng thoát nước thải khoảng 26.200 m3/ ngày đêm (gồm 2 trạm xử lý nước thải cho khu A và khu B); tổng khối lượng chất thải rắn khoảng 250 tấn/ngày; nhu cầu cấp điện là 811,2 MVA (khu A 700 MVA, khu B và khu dịch vụ, công cộng hành chính là 111,2 MVA).
Trước đó tại tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vào ngày 3/3/2024, doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát thông tin, Hòa Phát quyết định đầu tư Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 13.300 tỷ đồng.
Đây cũng là 1 trong 3 dự án được UBND tỉnh Phú Yên trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tại hội nghị này (cùng với Dự án Cảng Bãi Gốc và Khu liên hợp Gang thép tại Khu công nghiệp Hòa Tâm).