“Dẹp” nạn du lịch tự phát
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ vừa ký văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thị xã thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch mang tính chất tự phát, vi phạm hoạt động du lịch, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh này.
Phú Yên đề nghị các cấp "dẹp" nạn du lịch tự phát, khuyết khích phát triển du lịch đi kèm dịch vụ thương mại tại các vùng cao có sức hút lý tưởng. Ảnh minh họa |
Thưc trạng ghi nhận, hầu hết điểm 'du lịch sinh thái' mới nổi ở Phú Yên vi phạm về đất đai, xây dựng. Hàng loạt điểm du lịch sinh thái tự phát, trong đó có những điểm check-in mới nổi được du khách chú ý, bị phát hiện có vi phạm về sử dụng đất đai, xây dựng.
Trước đó, các đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên chủ trì cũng như các cuộc kiểm tra của chính quyền địa phương cho thấy có 14/15 điểm du lịch sinh thái tự phát ở các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa và hai thị xã Sông Cầu, Đông Hòa có vi phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, quyền giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên - hầu hết các cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch tự phát được đầu tư xây dựng trên diện tích đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm khác, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất… không phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh du lịch tự phát, kịp thời phát hiện, xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm về hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch, cảnh báo sự mất an toàn trong hoạt động tham quan để người dân biết.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, rừng; đình chỉ ngay những hoạt động vi phạm của các tổ chức, cá nhân để đảm bảo chấp hành pháp luật nghiêm minh trên địa bàn.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng hoạt động du lịch tự phát, vi phạm các quy định pháp luật chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho hay.
Kết nối phát triển thương mại vùng cao
Để tại điều kiện kích hoạt ngành du lịch nội địa phát triển, thời gian qua tỉnh Phú Yên cũng ban hành nhiều chương trình kích cầu du lịch tại một số địa phương có điểm vui chơi lý tưởng.
Một góc cao nguyên Vân Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh FB Cao Nguyên Vân Hòa |
Bên cạnh đó, kết hợp phát triển các sản phẩm thương mại, đáp ứng mọi nhu cầu phục vụ giữa du lịch với thương mại để đáp ứng nhu cầu du khách.
Tại huyện Sơn Hòa, tận dụng những lợi thế về khí hậu thiên nhiên ưu đãi mát mẻ quanh năm và hệ thống di tích lịch sử phong phú, tại cao nguyên Vân Hòa đang hình thành các nhà vườn du lịch, các khu du lịch nghỉ dưỡng, các trang trại trồng rau màu, cây công nghiệp vừa phục vụ sản xuất kết hợp du lịch.
Đây là những điểm đến được nhiều du khách ưa chuộng. Những điểm đến trên tuyến cao nguyên Vân Hòa đã và đang được hình thành, phát triển tốt như: các vườn đỏ ở xã Sơn Xuân; quần thể căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định) và địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) - hai di tích cấp quốc gia - là điểm nhấn đặc biệt của tuyến; nhiều nông trại kết hợp du lịch như BB Farm, Long Vân Garden, Todo Farm (xã Sơn Long), điểm cắm trại Phú Yên Camping Trip…
Theo Sở Công Thương, đơn vị đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát những cơ chế, chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương nhằm khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động thương mại.
Đơn vị cùng các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết nối với các doanh nghiệp thực hiện chương trình hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn…
Trong công tác đầu tư phát triển thương mại nói chung thì thương mại khu vực miền núi, nông thôn, hải đảo luôn được quan tâm.
Yêu cầu để hoạt động thương mại ở các khu vực này phát triển là xây dựng được các mô hình khuyến khích, thúc đẩy phát triển những mặt hàng là tiềm năng, lợi thế phát triển; phát triển thương mại hàng hóa, dịch vụ gắn với hoạt động du lịch biển đảo, nông thôn.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ, thu hút thương nhân, doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi, nông thôn, hải đảo; xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ, có cơ chế chính sách phù hợp… cũng là những định hướng, giải pháp được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, tạo sự hài hòa phát triển thương mại giữa các khu vực, vùng miền, lãnh đạo Sở Công thương Phú Yên cho hay.
Theo ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, để mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa trên địa bàn, đơn vị đã xây dựng 1 siêu thị và 7 cửa hàng thực phẩm tiện lợi, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng thường xuyên tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, kèm với các hình thức ưu đãi, khuyến mãi để tạo điều kiện cho bà con mua hàng. Sắp tới, đơn vị tiếp tục mở rộng đầu tư thêm một số điểm bán ở khu vực nông thôn, miền núi, ven biển của tỉnh.