Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên vừa ra mắt tại Hội nghị “Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã - Thời cơ, thách thức trong bối cảnh mới” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức. Đây là mô hình kinh tế hợp tác có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp bền vững theo định hướng của Chính phủ.
Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên gồm 24 thành viên, trong đó có 18 thành viên là cá nhân hộ gia đình; 6 thành viên có tư cách pháp nhân gồm: 4 Hợp tác xã và 2 doanh nghiệp. Mục tiêu hoạt động là cung ứng các dịch vụ lâm nghiệp với kỹ thuật tiên tiến; cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất; đại diện doanh nghiệp tham gia hợp tác xã (Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên) thực hiện việc bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng với mức giá ổn định trong thời gian 5 năm (có điều chỉnh khi giá thị trường tăng cho người trồng rừng).
Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng quà Lưu niệm cho Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên |
Diện tích rừng trồng của các hộ thành viên tham gia Hợp tác xã đến năm 2020 được xác định là 10.000 ha và đến năm 2025 con số này tăng lên 25.000 ha. Nhu cầu vốn ban đầu để triển khai thực hiện chăm sóc bảo vệ rừng là 200 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, xu hướng phát triển hợp tác xã lâm nghiệp theo hướng liên kết, nâng cao giá trị sản xuất và quản lý rừng bền vững là cấp thiết, phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay và là khâu đột phá trong lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhà.
“Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Công ty TNHH MTV Bảo Châu và các Công ty lâm nghiệp khác tuyên truyền, vận động và đã thành lập Hợp tác xã lâm nghiệp công nghệ cao tỉnh Phú Yên. Việc thành lập Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương mà đây còn là mô hình Hợp tác xã lâm nghiệp quy mô cấp tỉnh theo ngành hàng đầu tiên tại Việt Nam”, ông Trần Hữu Thế cho biết thêm.
Cũng theo ông Trần Hữu Thế, tỉnh Phú Yên đang thực hiện đề án Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2017-2020; xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới giai đoạn 2017-2020. Nhiều hợp tác xã sản xuất và xây dựng thành công sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như lúa giống, gạo chất lượng cao, rượu, sen, dầu đậu phụng, rau sạch, muối...
Hướng dẫn các thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên doanh liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên, Hợp tác xã của tỉnh thời gian qua đạt kết quả khả quan. Toàn tỉnh có 62 tổ hợp tác, thu hút 1.500 thành viên; 132 Hợp tác xã hoạt động, thu hút hơn 100.000 thành viên tham gia, với tổng vốn hơn 444 tỷ đồng. Doanh thu mỗi Hợp tác xã đạt 3,4 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty Bảo Châu Phú Yên (bên phải) đại diện cho Hợp tác xã Lâm nghiệp Công ngệ cao Phú Yên thực hiện bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ kĩ thuật, tài chính phát triển rừng cho các hộ gia đình, hợp tác xã cùng lĩnh vực |
Tỉnh Phú Yên hiện có trên 218.000 ha rừng, trong đó có hơn 100 ha rừng trồng, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, diện tích rừng này chủ yếu là thuộc sở hữu của các hộ trồng rừng nhỏ lẻ, manh mún; sức cạnh tranh không cao và luôn bị ép giá… Việc thành lập Hợp tác xã Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên là mô hình kinh tế hợp tác được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và mang lại hiệu quả cao.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Nguyễn Bảo Ngọc, cho biết: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ có có sự hỗ trợ phát triển Hợp tác xã lâm nghiệp công nghệ cao của tỉnh Phú Yên theo chuỗi giá trị bền vững. Việc thành lập mô hình Hợp tác xã này có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn cho tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung trước mắt và lâu dài. Khi đã có hợp tác xã, toàn bộ gỗ rừng trồng phải được hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC và kết hợp với xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Từ đây giá trị kinh tế lâm nghiệp trong chuỗi sẽ được nâng lên đáng kể.