Viễn thông - Công nghệ
Phương án mới, giá mới trong đấu giá băng tần 4G, 5G
Tú Ân - 30/11/2023 08:24
Theo kế hoạch, tháng 12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức đấu giá băng tần 2600 MHz.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều điểm mới

Điểm khác biệt đầu tiên trong phương án đấu giá mới được đưa ra so với đợt đấu giá bất thành hồi giữa năm 2023 là chỉ có 1 khối băng tần 2600 MHz có độ rộng 100 MHz được đưa ra đấu giá, thay vì 3 khối băng tần A1 (2300 - 2330 Mhz), A2 (2330 - 2360 Mhz), A3 (2360 - 2390 Mhz).

Để chuẩn bị cho cuộc đấu giá lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông báo số 246/TB-BTTTT công khai Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500 - 2600 MHz, với những thông tin về số lượng, giá khởi điểm, các yêu cầu, cam kết…

“Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo đấu giá băng tần 2.300 MHz được phân chia làm 3 khối là để thích hợp cho công nghệ 4G. Trong khi đó, các băng tần 5G (2600 MHz, 3700 MHz) được chia thành các khối có độ rộng 80-100 MHz. Việc chia 100 MHz băng tần 2600 MHz ra thành khối nhỏ như băng tần 2300 MHz là không hiệu quả trong triển khai 5G”, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) lý giải.

Về giá khởi điểm, trước đây, việc đấu giá băng tần 2300 MHz dựa trên việc xác định giá trị căn cứ Nghị định 88/2021/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần. Còn đấu giá băng tần 2600 MHz được xác định theo Nghị định 63/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12.

Theo đó, giá khởi điểm của khối băng tần 2500 - 2600 MHz cho 15 năm sử dụng là 3.983 tỷ đồng. Tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá cho khối băng tần 2500 - 2600 MHz là 200 tỷ đồng. Việc thu nộp, xử lý tiền đặt trước được thực hiện theo quy định tại Điều 39, Luật Đấu giá tài sản.

Theo đánh giá của ông Scott W Minehane, Giám đốc điều hành Công ty Windsor Place Consulting (Australia), băng tần 2.500 - 2.600 MHz đáp ứng được cả 2 yêu cầu là giúp các nhà mạng khai thác hiệu quả vùng phủ sóng và tốc độ truy cập Internet cao. Mức giá khởi điểm đấu giá với băng tần 2.500 - 2.600 MHz là phù hợp với điều kiện Việt Nam và chỉ bằng 1/3 so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia.

Theo dự báo của Hiệp hội Hệ thống Thông tin di động toàn cầu (GSMA), đến năm 2030, tổng băng tần mà các doanh nghiệp di động ở Việt Nam cần trong dải tần 1-7 Ghz sẽ khoảng 1700 - 2200 MHz. Vì vậy, ngoài băng tần 2600 MHz, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm triển khai đấu giá băng tần 3700 MHz, cấp phép cho các doanh nghiệp để làm 5G. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các băng tần khác, giải phóng các băng tần khác sử dụng cho mạng 5G.

Doanh nghiệp đề xuất chia nhỏ khối băng tần

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án tổ chức đấu giá băng tần 2500 - 2600 MHz. Theo đó, sau khi nghiên cứu đề nghị của VNPT và MobiFone, Ủy ban nhận thấy, việc tổ chức đấu giá một khối tần 2500 - 2600 MHz dẫn đến chỉ một doanh nghiệp trúng đấu giá cấp phép triển khai mạng 5G trước các doanh nghiệp còn lại, tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.

Các doanh nghiệp khác phải chờ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy hoạch băng tần và tổ chức đấu giá, khiến thời gian có thể kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai 5G và thị phần, doanh thu, lợi nhuận, khả năng bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp triển khai sau.

Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thường đấu giá, cấp phép nhiều khối băng tần 5G cho nhiều nhà mạng cùng triển khai 5G, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho người dân và thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển.

Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành quy hoạch băng tần 3560 - 4000 MHz để tổ chức đấu giá đồng thời nhiều khối băng tần cho 5G (3-4 khối băng tần). Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng tham gia xây dựng mạng 5G phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công nghệ tiên tiến cho người dân, doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác