Mỹ không điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam. |
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa phát đi thông tin mới cho hay, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra thông báo không tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, Thái Lan và Malaysia theo đề nghị của nguyên đơn (nhóm các doanh nghiệp giấu tên, gọi là American Solar Manufacturers Against Chinese Circumvention - A-SMACC).
Nguyên nhân DOC không tiến hành điều tra vì cho rằng việc không công khai thành viên của A-SMACC là không phù hợp với quy định hiện hành của Mỹ và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan khác.
Như vậy, ngành sản xuất pin mặt trời của Việt Nam đã tránh được một vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, sản phẩm pin mặt trời (gồm tế bào quang điện và tấm pin mặt trời) vẫn bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam từ tháng 2 năm 2018. Quy định lượng hạn ngạch nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Mỹ là 2,5 gigawatt/năm đối với tế bào quang điện.
Nhập khẩu trong hạn ngạch không phải chịu thuế tự vệ nhưng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế tự vệ từ 15% đến 30% tùy thời kỳ. Đối với tấm pin mặt trời, Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung trong 04 năm (đến tháng 2 năm 2022) với mức thuế bằng mức ngoài hạn ngạch của tế bào quang điện. Hiện Mỹ đang xem xét xem xét gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này.
Theo số liệu của tổng cục Hải quan, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2021, ta đã xuất khẩu hơn 2,9 tỷ USD pin mặt trời (gồm cả tế bào và tấm pin) và các linh kiện sang Mỹ.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo dõi sát tình hình, thông tin và những động thái tiếp theo của các nhóm lợi ích liên quan trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ pin năng lượng mặt trời để có những biện pháp ứng phó kịp thời với vụ việc tự vệ hoặc các vụ việc phòng vệ thương mại khác xảy ra trong thời gian tới.
Đồng thời, Cục Phòng vệ cũng sẽ theo dõi tình hình xuất khẩu mặt hàng này để chủ động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và xử lý các vấn đề phát sinh.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho hay, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài thời gian qua đã đem lại những kết quả rất tích cực. Ông nói, trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhiều vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng có kết quả như mong đợi, khi hầu hết các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam đều không bị áp thuế chống bán phá giá (cá basa, tôm và gần đây nhất là mặt hàng lốp xe), giúp kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này được giữ vững và tăng trưởng.
Không chỉ giải quyết ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của các nước ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam. Nhờ các hoạt động hỗ trợ đang được triển khai, trung bình khoảng 2/3 số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam không dẫn đến kết quả bất lợi đối với các doanh nghiệp.