6 tháng đầu năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PNJ đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 5,4% so với 6 tháng đầu năm 2018. . |
Quý I cứu quý II
PNJ sẽ không mấy nhàn hạ trong nửa cuối năm để vực lại hoạt động do những thành quả quý I đã phải bù đắp cho sự suy giảm trong quý II.
Sau nửa đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của PNJ đều tăng trưởng khá tốt so với 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được hưởng từ sự “hỗ trợ” của kết quả đã đạt được trong quý I/2019, trong khi các con số kinh doanh quý II/2019 đuối sức đáng kể so với quý I.
6 tháng đầu năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PNJ đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 5,4% so với 6 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 598 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu và lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng là vậy, nhưng xét riêng trong quý II/2018, cả doanh thu và lợi nhuận đều đi xuống so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu quý II/2019 chỉ đạt 2.980 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 169 tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ.
So với quý I/2019, kết quả kinh doanh quý II/2019 cho thấy sự đi xuống khá mạnh của đại gia ngành vàng bạc này. Nhìn lại quý đầu năm, doanh thu của PNJ đã đạt 4.820 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần doanh thu quý II, trong khi lợi nhuận quý I đạt 429 tỷ đồng, gấp 2,54 lần so với quý II.
Doanh thu và lợi nhuận của PNJ trong quý II không những sụt giảm về giá trị tuyệt đối, mà nếu so với vốn chủ sở hữu tại thời điểm cách đây 1 năm, thì tỷ lệ các con số này so với quy mô vốn thậm chí còn teo tóp hơn nhiều. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 4.091 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kết quả lợi nhuận trong quý II/2019 mà PNJ đạt được chỉ đem về cho cổ đông khoản lợi ích chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước, nếu tính theo quy mô vốn chủ sở hữu, với chỉ số EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) là 760 đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 3.111 đồng.
Sức ép lên chi phí
Trong khi doanh thu suy giảm thì các khoản chi phí của PNJ lại bị đẩy lên cao. Tổng chi phí hoạt động (bao gồm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) trong quý II/2019 là 403 tỷ đồng, tăng tới 18% so với cùng kỳ năm 2018 cho chiến lược phát triển ngành vàng, đồng hồ của Công ty. Trong đó, lý do chính khiến chi phí hoạt động bị đẩy lên cao là sự tăng vọt của chi phí lương với tổng chi quý II lên tới 248 tỷ đồng, tăng rất mạnh tới 46% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân sụt giảm kinh doanh quý II được ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho biết trong nội dung văn bản giải trình là, doanh số kênh bán sỉ của Công ty trong quý II giảm 23%, sức mua chung của thị trường đối với mặt hàng trang sức cũng giảm.
Bên cạnh đó, một khoản chi phí có tốc độ tăng nhanh trong quý II/2019 là chi phí tài chính với mức tăng thêm 10,1 tỷ đồng, tốc độ tăng đạt 90% so với cùng kỳ. Sự gia tăng chi phí tài chính chủ yếu do tăng chi phí lãi vay.
Trong hoạt động tài chính, quy mô lưu chuyển dòng tiền của PNJ cũng rất lớn, với tổng lượng tiền chảy về doanh nghiệp từ đi vay trong nửa đầu năm 2019 lên tới 2.322 tỷ đồng, tiền trả nợ vay là 2.434 tỷ đồng. Trong khi chịu sự gia tăng gánh nặng chi phí cho các khoản vay, PNJ lại có xu hướng chậm thu tiền hơn từ hoạt động bán hàng khi các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước; trả trước cho người bán tăng 96,2% so với cùng kỳ.
Ngoài những vấn đề trên, PNJ còn phát sinh thêm số dư phải trả người bán hơn 2,6 tỷ đồng đối với Ngân hàng TMCP Đông Á trong quý II/2019. Giá trị khoản phải trả này không lớn, nhưng đây là giao dịch kinh tế với một đối tác có gắn với khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn trị giá hơn 395 tỷ đồng. Đó là khoản dự phòng cho 38,5 triệu cổ phiếu EAB của Ngân hàng TMCP Đông Á, đến cuối tháng 6/2019, khoản dự phòng tiếp tục treo trên báo cáo tài chính của PNJ.