Ngày 20/9, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả tài khoản của Công ty Protrade mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương.
Trong đó, Công ty Protrade nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định pháp luật, số tiền bị cưỡng chế lên tới hơn 144 tỷ đồng.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp số tài khoản của Công ty Protrade nhỏ hơn số tiền bị truy thu thuế, ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của Công ty Protrade.
Quỹ tiền mặt lên tới 625,5 tỷ đồng như Báo cáo bán niên năm 2023 bị kiểm toán ngoại trừ
Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, tính tới 30/6/2023, Công ty Protrade đang sở hữu quỹ tiền mặt là 625,5 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng tài sản. Trong đó, 227,9 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền; và 397,6 tỷ đồng là đầu tư tài chính ngắn hạn.
Như vậy, so với số tiền bị cưỡng chế và truy thu thuế, Công ty Protrade đang sở hữu số dư tiền lớn hơn so với số tiền bị cưỡng chế và truy thu.
Ngoài ra, cũng tại Báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị kiểm toán đã đưa ra kết luận ngoại trừ. Trong đó, cơ sở đưa ra ý kiến kết luận ngoại trừ bao gồm:
Đầu tiên, liên quan đến hoạt động chuyển giao đất và huỷ hợp đồng đối với Công ty TNHH Phát triển và CTCP Bất động sản U&I, đến thời điểm lập Báo cáo tài chính, các giao dịch trên đã được huỷ căn cứ chủ trương đã được tỉnh uỷ Bình Dương chấp thuận và theo thoả thuận giữa các bên.
Lợi nhuận từ các giao dịch chuyển nhượng phát sinh trước giai đoạn cổ phần hoá đã được Công ty Protrade điều chỉnh giảm trừ số dư công nợ lợi nhuận phải nộp Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Công ty Protrade đang trình bày khoản phải thu liên quan đến hợp đồng bồi thường kinh phí đất và chuyển giao đất với CTCP An Bình phát sinh trước thời điểm cổ phần hoá với số tiền 60 tỷ đồng.
Ngày 14/11/2019, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã Quyết định về việc thu hồi lại quyết định cho CTCP An Bình thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê tại phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Đến thời điểm lập Báo cáo, Công ty Protrade chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán cổ phần hoá. Chính vì vậy, kiểm toán cho biết không thể đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề trên đối với Báo cáo hợp nhất bán niên năm 2023.
Thứ hai, Kiểm toán không đánh giá được tính phù hợp của giao dịch góp vốn vào CTCP Đầu tư & Phát triển Tân Thành, việc tính lãi tiền ứng vốn liên quan và khả năng thu hồi của khoản phải thu này. Đồng thời, số dư khoản vay và lãi tương ứng đã quá hạn của Công ty Tân Thành tại thời điểm 30/6/2023 lần lượt là 162,35 tỷ đồng và 57,03 tỷ đồng, trong kỳ, Công ty Protrade không ghi nhận các khoản lãi phát sinh tương ứng với dư nợ gốc cho vay của Công ty Tân Thành do không đánh giá được khả năng thu hồi chắc chắn.
Vì vậy, kiểm toán không đánh giá được khả năng thu hồi các khoản phải thu cho vay và tiền lãi tương ứng đã quá hạn nêu trên và ảnh hưởng của vấn đề này đối với Báo cáo tài chính bán niên.
Cuối cùng, theo Bản án sơ thẩm của Toà án Nhân dân TP. Hà Nội và Bản án phúc thẩm của Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, văn bản chậm nộp của Cục thuế tỉnh Bình Dương liên quan đến tiền sử dụng đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thì tổng số tiền mà Công ty Protrade phải nộp liên quan đến vụ án là 1.060,22 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, Công ty Protrade đã nộp 919,5 tỷ đồng. Trong đó, số tiền mà Công ty Protrade đã nộp và được khấu trừ là 791,1 tỷ đồng và 128,4 tỷ đồng là số tiền các cá nhân có liên quan nộp khắc phục hậu quả được khấu trừ vào nghĩa vụ của Công ty Protrade.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Công ty Protrade đã thông qua việc trích lập dự phòng các khoản phải thu trên, số dự phòng đã trích lập tại thời điểm 30/6/2023 là 35,34 tỷ đồng.
“Chúng tôi không thể đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề nêu trên đến Báo cáo tài chính bán niên năm 2023”, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho biết.
Về hoạt động kinh doanh, nửa đầu năm 2023, Công ty Protrade ghi nhận lỗ 50,81 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 223 tỷ đồng.
Nhà nước vẫn chiếm quá bán tại Protrade
Theo tìm hiểu, Công ty Protrade tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé, được thành lập năm 1982, vốn ban đầu là 4 triệu đồng. Hiện tại, Công ty Protrade phát triển dựa trên ba lĩnh vực chính bao gồm lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực công nghiệp, và lĩnh vực nông nghiệp.
Tính tới cuối năm 2022, Công ty Protrade đang có 4 cổ đông lớn bao gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương sở hữu 60,98% vốn điều lệ (cổ đông nhà nước); Công ty TNHH Phát Triển sở hữu 15% vốn điều lệ; CTCP SAM Holdings (mã SAM – sàn HoSE) sở hữu 8% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư U&I sở hữu 6% vốn điều lệ; và còn lại 10,02% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/9, cổ phiếu PRT tăng 100 đồng, lên 13.000 đồng/cổ phiếu.