Sáng nay 5/5/2020, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP (GAS) đã thống nhất nâng tỷ lệ cổ tức năm 2019 từ mức 30% lên 45%; cổ tức dự kiến năm 2020 sẽ là 30%. Tại đại hội, CEO GAS cũng cho biết, cổ đông Nhà nước chưa có nhu cầu thoái vốn tại doanh nghiệp
Covid-19 ảnh hưởng lớn đến dự án Sao Vàng Đại Việt
Tại đại hội, ông Dương Mạnh Sơn – Tổng giám đốc của GAS chia sẻ các dự án của GAS vẫn đang được triển khai nhưng với tốc độ còn chậm do các thủ tục pháp lý và dịch bệnh Covid-19. Trong đó, dự án Sao Vàng Đại Việt, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 là ảnh hưởng lớn nhất. Vì các dự án này đòi hỏi công nghệ và chất xám chất lượng cao nên hầu như 100% các công nghệ, máy móc, thiết bị đều được chế tạo tại nước ngoài, chủ yếu nằm ở châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và được nghiên cứu bởi các chuyên gia nước ngoài.
Cổ đông biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Đại hội đồng cổ đông |
Tuy nhiên, nếu các dự án được đưa vào vận hành vào năm 2021 thì khoảng 400-500 m3 khí được sản xuất sẽ đóng góp cho GAS doanh thu khoảng 50 triệu USD/ năm trong khoảng 10 năm.
Giá dầu xuống thấp cũng có tác động đến PV Gas nhưng lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định không có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và sẽ hồi phục khi dịch bệnh đi qua.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về dự án lô B, đại diện GAS cho biết, dự án triển khai chậm so với kế hoạch, và đang trong quá trình chọn nhà thầu EPC.
Dự án đang có 4 cổ đông bao gồm PV Gas sở hữu 51%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 28% cùng 2 đối tác Thái Lan và Nhật. Cơ cấu này dẫn đến tình huống cả mẹ và con trong cùng tập đoàn có vốn góp chung vào 1 dự án, điều này vi phạm quy định của Chính Phủ. Chính phủ cũng đã đồng ý cho PVN và GAS thảo luận phương thức xử lý tuy nhiên hiện nay việc quyết định bên nào chuyển cổ phần cho bên còn lại rất phức tạp nên chưa có phương án xử lý cụ thể.
Vấn đề chuyển ngang giá khí cho các bên tiêu thụ cuối cùng - các nhà máy điện cũng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án bởi vì mức giá tác động toàn thể khu phát điện của Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, dẫn đến việc cần có ý kiến của Chính Phủ.
Trả lời cổ đông về tiến độ ký kết hợp đồng khí bao tiêu cũng như chênh lệch giá khí, đại diện công ty cho biết, đối với phần bán khí cho PVN vì thực hiện theo chỉ đạo của Chính Phủ không có vấn đề gì lớn.
Còn đối với các hợp đồng BOT (hợp đồng mua bán điện được thực hiện dưới sự bảo lãnh của Chính Phủ và các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò như người cho vay-lender) thì phức tạp hơn. Các hợp đồng này có liên kết với nhau mật thiết, có quy định chặt chẽ. Thay đổi giá bao tiêu phải có sự đồng ý của Chính Phủ và của các lender theo cam kết quốc tế. Do vậy, dự án vẫn đang được tiến hành nhưng tiến độ sẽ chậm hơn.
Về vấn đề hạch toán chênh lệch giá trong bao tiêu, ông Sơn cho biết, trước đây hợp đồng ký kết theo giá cố định trong bao tiêu, bây giờ, khoảng chênh lệch giá giữa bao tiêu và giá thả nổi trên thị trường là do nhà nước quyết định sử dụng chứ không thuộc về doanh nghiệp. Giao dịch này phát sinh không nằm trong luật hiện hành nên cơ sở hoạch toán doanh thu và lợi nhuận sẽ được bộ tài chính xây dựng 1 quy chế riêng. Sau khi có ý kiến của các bộ ban ngành liên quan thì GAS sẽ đưa vào áp dụng ngay.
Chưa có kế hoạch thoái vốn Nhà nước, nâng tỷ lệ cổ tức năm 2019 lên 45%
Liên quan đến tiến độ thoái vốn Nhà nước, lãnh đạo GAS cho biết, vốn Nhà nước Tổng Công ty hiện là 95,76%. Trước đây, Chính phủ có cho phép GAS giảm về 65%, nhưng sau khi chuyển về cơ quan quản lý vốn nhà nước, theo các quy định hiện nay thì không nhất thiết phải thoái và chưa có kế hoạch thoái vốn.
Ủy ban và cơ quan Nhà nước hiện chưa có phương án thoái vốn, nếu có thì lộ trình vẫn cần thời gian để nghiên cứu.
ĐHCĐ cũng đã thông qua tất cả các tờ trình. Trong đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty dự kiến doanh thu sẽ đạt 66.164 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.636 tỷ đồng. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 dựa trên dự tính giá dầu 60 USD/thùng và tỷ giá USD/VND là 23.500 đồng. Tuy nhiên, các mục tiêu có thể thay đổi do tác động của thị trường trong thời gian tới, điều chỉnh này sẽ do HĐQT quyết định bởi sự ủy quyền của ĐHĐCĐ.
So với thực hiện năm 2019, kế hoạch lợi nhuận 2020 giảm 45%, nhưng nếu so với kế hoạch năm 2019 là 7.643 tỷ đồng, thì chỉ tiêu lợi nhuận chỉ giảm 13%. PV Gas cho biết kế hoạch này được đưa ra khi doanh nghiệp chịu tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.
Cổ tức dự kiến năm 2020 là 30%.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2019. Theo đó, với Doanh thu thuần đạt hơn 75.000 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế đạt gần 12.086 tỷ đồng vượt 58% kế hoạch lợi nhuận năm, GAS quyết định nâng cổ tức năm 2019 từ 30% lên 45%.
Trong đó, Gas đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 10% hồi tháng 8/2019 với số tiền 1.914 tỷ đồng. Như vậy, công ty sẽ còn chia cổ tức 35% thời gian, tương ứng chi ra 6.699 tỷ đồng để trả cổ tức.
GAS cần giải quyết minh bạch các yếu tố thuộc nền tảng
Tổng giám đốc PVN - Lê Mạnh Hùng, đại diện phần vốn Nhà nước tại GAS phát biểu tại đại hội, GAS cần phải giải quyết một cách minh bạch những yếu tố thuộc nền tảng.
Một là mô hình kinh doanh của GAS. Khách hàng của GAS là nhà máy điện, nhà máy sản xuất đạm và các hộ tiêu thụ công nghiệp, người dân. Còn nhà cung cấp của GAS là khu thượng nguồn như chủ mỏ hay các nhà máy lọc dầu. Vì vậy, những mối quan hệ đối với GAS phải rõ ràng vì nó mang tính chiến lược.
Hai là, mong muốn HĐQT GAS đẩy nhanh việc hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ khí. Đây là lợi thế cạnh tranh so sánh của GAS trong hoàn cảnh những đối thủ khác đã, đang và sẽ xuất hiện trong ngành kinh doanh khí. Đối với GAS, khi nguồn vào tương đối lớn, GAS cần xem xét thành lập ban quản lý nguồn. Nguồn thứ nhất là nguồn khí tự nhiên, nguồn vào thứ 2 là nguồn khí nhập khẩu. Khí tự nhiên giảm thì khí nhập khẩu tăng thậm chí khí tự nhiên tăng khí nhập khẩu cũng tăng tùy thuộc vào giá và cơ hội kinh doanh. Để kiểm soát việc này thì phải tạo nguồn mà muốn tạo nguồn phải thông qua cơ sở hạ tầng công nghiệp khí.
Yếu tố thứ 3 là ban điều hành đẩy nhanh tốc độ tăng thị phần. GAS đã thực hiện điều chỉnh tái cấu trúc được các công ty vùng miền, cũng như thành lập các chi nhánh để phục vụ kinh doanh khí như CNG và sắp tới là 2 sản phẩm mới. Bên cạnh đó, GAS phải tổ chức tốt LPG PV GAS với hệ thống nhất quán sớm đẩy mạnh kênh bán lẻ và chiếm thị phần sớm nhất.
PVN với vai trò cổ đông lớn của PV GAS, sẽ luôn đồng hành tiếp tục ủng hộ GAS có thể triển khai tốt thực hiện mục tiêu chiến lược cũng như kế hoạch năm, bảo toàn vốn đầu tư như kỳ vọng. Đồng thời, PVN sẽ cùng GAS tháo gỡ về mặt cơ chế, làm việc với cơ quan quản lý nhà nước tạo cơ chế thuận lợi nhất để GAS phát triển, tăng vai trò của GAS trong nguồn cung cấp của tương lai với mục tiệu sản lượng của Lô B và Cá Voi Xanh chiếm gần 50% nguồn khí trong thời gian tới.